Loạt tập đoàn chuyển sản xuất đến Việt Nam

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy: Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sau đại dịch. Các tập đoàn xuyên quốc gia cũng đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn để Việt Nam đón đầu làn sóng này.

“Trên thực tế, có nhiều thông tin về các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng”, Bộ Công Thương cho biết.

{keywords}
Apple đang gia tăng đặt hàng nhà cung ứng ở Việt Nam.

Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng chuẩn bị từng bước tiếp nhận để đầu tháng 9 năm nay sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn vốn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành thời gian tới tăng trưởng mạnh hơn.

Với ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, Bộ Công Thương cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc thời gian đầu năm 2020, tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu.

Riêng doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Do đó, Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Sau thời đen tối, nhiều ngành bắt đầu hồi phục

Với ngành dệt may, Bộ Công Thương cho hay: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may gặp khó do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy; giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán. Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.

{keywords}
Dệt may hy vọng bứt tốc vào cuối năm.

Đến cuối quý 2/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may vào các dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao.

Cũng giống như dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh. Kim ngạch xuất khẩu giày dép 6 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính, nhất là thị trường Mỹ, châu Âu.

Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý 3-4/2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại.

 Xuất khẩu lần đầu suy giảm kể từ khủng hoảng 2008-2009

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008-2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho rằng: Không chỉ Việt Nam mà kết quả xuất khẩu của các quốc gia khác cũng đều sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước do tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Mặc dù tăng khá mạnh trở lại trong hai tháng gần đây nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%).

Về nhập khẩu, số liệu ước tính của Bộ Công Thương tháng 6/2020 cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đang tăng khá mạnh, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước bắt đầu đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Trong 6, Việt Nam ước tính xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỷ USD.

Lương Bằng

Bước qua phận làm thuê, vượt lên làm chủ để ngẩng cao đầu

Bước qua phận làm thuê, vượt lên làm chủ để ngẩng cao đầu

Ngay cả khi đón được sóng FDI, thành công của thu hút đầu tư nước ngoài phải dựa vào việc doanh nghiệp Việt có lớn lên, có vươn lên làm chủ được không hay chỉ mãi phận làm thuê.