Các trường đại học ở Hông Kông đang tiến hành chuẩn bị cho một trong những cải cách quan trọng nhất, với nhiều trở ngại phải vượt qua khi có thêm hàng ngàn sinh viên, hàng trăm giảng viên mới, biên soạn giáo trình và nhiều khoá học mở ra.



Bớt một năm phổ thông, thêm một năm đại học

Quang cảnh trường đại học Hồng Kông. 
Các trường phải tìm không gian cho mình trong một thành phố vốn đã là một trong những nơi đông dân nhất, để đáp ứng nhu cầu về phòng học, phòng thí nghiệm, văn phòng mới cho cán bộ giảng viên và cả ký túc cho sinh viên.

Khi các trường ĐH ở các nư­ớc phương Tây đang thu hẹp ngân sách thì Hồng Kông lại đang chuẩn bị mở rộng  dân số tốt nghiệp ĐH:  Bắt đầu từ năm học 2012, các trường sẽ tăng số năm học ĐH từ 3 lên 4 năm.

Điều này có nghĩa là sinh viên sẽ bớt một năm học phổ thông, thay vào đó, sẽ học ch­ương trình đại học 4 năm.“

"Thay đổi thời gian, từ 3 lên 4 năm chưa từng xảy ra trong toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH”, giáo sư chuyên ngành giáo dục Gerard Postiglione, thuộc ĐH Hồng Kông cho hay.

Các chuyên gia giáo dục tán thành những thay đổi trên thì cho rằng, chuyển động này sẽ góp phần xây dựng mục tiêu của Hồng Kông là đào tạo lớp sinh viên mới, trang bị tốt cho việc duy trì và nâng cao vị thế kinh tế của Hồng Kông.

Tr­ước đây, hầu hết học sinh phải hoàn thành 7 năm học phổ thông trư­ớc khi tham gia chương trình đại học. Theo hệ đại học mới 3+3+4, các em sẽ học 3 năm ở cả bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Như­ vậy,18 là độ tuổi thích hợp để buớc vào bậc đại học.

Số lượng gấp đôi: Lo lắng cơ sở vật chất

Với số lượng SV hoàn thành chư­ơng trình phổ thông 7 năm bắt đầu học ĐH hệ 3 năm, cộng với số SV theo học chương trình phổ thông 6 năm thi vào hệ 4 năm, đến tháng 9/2012, các trường ĐH ở Hồng Kông sẽ đón nhận 30.000 tân sinh viên.

Chính quyền cũng lên kế hoạch tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành hệ cao đẳng có cơ hội học lên đại học. Số sinh viên có cơ hội học năm thứ 3 hệ ĐH đến năm học 2014 là 4.000.

Đồng thời, dành riêng một số địa điểm để mở rộng truờng tư và trường bán công. Tuy nhiên, các trường­ cũng đã sẵn sàng xây dựng thêm phòng học, phòng thí nghiệm và ký túc mới.

ĐH Hồng Kông năm nay sẽ kỉ niệm một trăm năm thành lập, đang xây dựng khuôn viên mới, với diện tích tăng thêm 20%.

“Chúng tôi muốn xây dựng trư­ờng học cho tương lai, chứ không phải chỉ cho năm học 2012”, phó viện trưởng Roland Chin

“Chúng tôi muốn xây dựng trư­ờng học cho tương lai, chứ không phải chỉ cho năm học 2012”, phó viện trưởng Roland Chin cho hay.

Việc mở rộng tr­ường học đựơc trợ giúp tài chính khoảng 50%. Trường cũng đang tổ chức quyên tiền cho phần còn lại.

Các trường ĐH trên khắp Hồng Kông đang tiến hành xây dựng thêm trường lớp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng đến năm 2012, trang thiết bị phục vụ giảng dạy vẫn không đủ.

SV ở Hồng Kông cũng lo lắng không có ký túc, khi mà giá thuê phòng ở  thuộc loại đắt đỏ nhất châu Á và đất đai cũng khan hiếm. Việc thiếu phòng ký túc sẽ là rào cản trong việc thu hút sinh viên quốc tế.

Ông Hoiki Ho, quyền tổng thư ký của Hiệp hội SV ĐH Hồng Kông cho hay,  trường này hi vọng sẽ có thêm 1.800 phòng ký túc cho sinh viên vào năm 2012 (hiện tại có 4.700 phòng). Tuy nhiên, số lượng này có thể vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Ông nói: “Chúng tôi đang nỗ lực cùng với chính quyền nhằm tìm kiếm đất cho việc xây dựng thêm ký túc cho sinh viên”.

Với 200 giảng viên cần thêm cho mỗi trường ĐH mở rộng, việc tìm kiếm cán bộ giảng dạy đang được tiến hành trên phạm vi toàn thế giới.

Ông K.C. Cheung, chủ tịch Hội đồng giảng viên Trường ĐH Hồng Kông cho biết, trong khi các trường đang tuyển thêm người, một số giảng viên lo lắng sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong quá trình chuyển đổi.

Một giờ thảo luận của sinh viên. (Nguồn: Website ĐH Hồng Kông)
Cơ hội hiếm có để chỉnh sửa giáo trình

Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, các giáo sư đại học và các nhà quản lý tin rằng thách thức lớn nhất liên quan đến công tác giảng dạy và học tập trong năm học kéo dài thêm ở trường đại học.

“Đây là cơ hội tốt hiếm có để tiến hành chỉnh sửa lại giáo trình dạy học”, theo ông Kenneth Young, phó hiệu trưởng ĐH Hồng Kông Trung Quốc, “suy cho cùng, một trong những điều quan trọng nhất là phải tận dụng cơ hội này để thay đổi phương thức giáo dục truyền thống theo kiểu giáo huấn sang một phương thức mới, hướng tới người học nhiều hơn”.

"Phải tận dụng cơ hội này để thay đổi phương thức giáo dục truyền thống theo kiểu giáo huấn sang một phương thức mới, hướng tới người học nhiều hơn” - Kenneth Young, phó hiệu trưởng ĐH Hồng Kông Trung Quốc.

Mỗi trường đại học có thể tự do quyết định chương trình học của mình, nhưng xu hướng chung vẫn là tiến tới hình thức đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó sinh viên bắt buộc phải hoàn thành nhiều môn học cốt lõi hơn.

Ví dụ, tại Trường ĐH Hồng Kông, sinh viên phải học 6 môn chung, chủ yếu bao gồm: toàn cầu hóa, Trung Quốc, khoa học và công nghệ, khoa học nhân văn, cộng thêm các khóa học tiếng Anh và tiếng Trung.

“Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội trên để tiến hành rà soát lại toàn bộ giáo trình giảng dạy ở bậc đại học và tự mình tìm ra cách thức đào tạo lớp sinh viên có đủ năng lực vượt qua thách thức quá trình toàn cầu hóa đặt ra” ông Amy Tsui, quyền phó hiệu trưởng dạy và học nói.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông sẽ áp dụng hình thức đào tạo tương tự, trong đó sinh viên bắt buộc tham gia các khóa học căn bản về nghệ thuật và nhân văn, phân tích xã hội, khoa học công nghệ, lý luận định lượng, giao tiếp tiếng Anh, Trung và khóa học về lối sống lành mạnh.

Walter Yuen, phó hiệu trưởng phát triển đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hồng Kông cho biết, các trường  đang tìm cách giúp học sinh tiếp cận bậc đại học dễ dàng hơn.

Boston phương Đông?

Ông Simon Marginson, giáo sư của trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học tại trường Đại học Melbourne  tin rằng Hồng Kông đang có những thay đổi đúng đắn.

“Hồng Kông đang có chỗ đứng thích hợp để trở thành đấu thủ thực sự trên trường quốc tế”, ông nói.

Ông Postiglione, trưởng phòng khoa học xã hội, hành chính, chính sách, khoa giáo dục Trường ĐH Hồng Kông cho rằng, thay đổi này sẽ góp phần phát triển hệ thống giáo dục vốn đã có 4 trường ĐH được xếp hạng cao:  “xét về hệ đại học, tôi nghĩ, Hồng Kông đang trở thành Boston của phương Đông”.

Lưu Ly (Theo New York Times)