Chú thích ảnh

Binh sĩ Nga hoạt động tại Bắc Cực. Ảnh: ITAR

Theo hãng tin RT (Nga), cuộc chiến giành giật khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên giờ đây không chỉ giữa các quốc gia nằm quanh Bắc Băng Dương như Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch, mà còn lôi kéo cả những cường quốc khác như Trung Quốc.

Nghiên cứu vùng cực không còn là nỗ lực khoa học đơn thuần, mà trọng tâm hiện nay chuyển sang các khía cạnh kinh tế và chiến lược. Sự chuyển biến này dẫn tới một cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các quốc gia Bắc Cực.

Sự trở lại Bắc Cực của “Gấu Nga”

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, gần như mọi đơn vị quân đội Nga bố trí tại Bắc Cực đều bị giảm qui mô. Về cơ bản, Nga không có sự hiện diện quân sự nào dọc bờ biển từ Murmansk tới Chukotka. Nga dường như bỏ quên việc kiểm soát khu vực rộng lớn này.

Giờ đây, Nga đang trở lại và sử dụng các giải pháp công nghệ mới để khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực. Lực lượng Vũ trang Nga nhanh chóng tăng cường tiềm lực và sự hiện diện về mặt quân sự. Nga có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới và nước này đang xây dựng các căn cứ quân sự-hải quân cũng như các đường băng tại đây. Các hệ thống hỗ trợ hàng không, phòng không và ra-đa cũng được Moscow nâng cấp.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ không chỉ có Nga làm điều đó, mà các nước Bắc Cực khác cũng đang có bước đi tương tự. Thực trạng này đặt ra câu hỏi liệu các xung đột lợi ích tại đây có châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện hay không? Ở phương diện này, có nhiều mẫu thuẫn và bất đồng giữa các quốc gia quanh Bắc Cực. Và một số bất đồng trong số đó tiềm ẩn sự nguy hiểm.

Thứ nhất, đường biên giới tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Bắc Băng Dương chưa được phân định rõ ràng bởi sự mơ hồ nhất định trong luật pháp quốc tế và điều này dẫn tới sự lý giải khác nhau về chủ quyền.

Vấn đề quan trọng thứ hai tại Bắc Cực đó là tranh cãi liên quan tới quyền hạn của các nước đối với Hành lang Đông Bắc (NEP). Đây là tuyến hàng hải chiến lược và đang ngày càng dễ tiếp cận đối với các tàu thương mại nhờ tình trạng băng tan. Thời gian gần đây, Mỹ nhiều lần nói tới việc hạn chế sự hiện diện của Nga, đồng thời thúc đẩy ý tưởng biến NEP (Nga gọi là Tuyến đường biển phía Bắc) thành một tuyến hàng hải quốc tế. Mỹ cũng ngày càng tăng cường hoạt động ở Bắc Cực. Một trong những chiến lược của Washington là triển khai một số đơn vị thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển ở vùng biển này.

Chú thích ảnh

Lực lượng Nga ở Bắc Cực. Ảnh: RT

Tuyến đường Biển phía Bắc là tuyến ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu và là dự án kinh tế trung tâm của Nga ở Bắc Cực. Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt mục tiêu tăng sức vận chuyển từ 20 đến 80 triệu tấn hàng hóa trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, phương Tây cho rằng lập trường của Nga đối với NEP/Tuyến đường biển phía Bắc không phải lúc nào cũng thuyết phục. Thậm chí, Moscow còn bị cáo buộc vi phạm một số điểm trong luật hàng hải quốc tế, cũng như vi phạm nguyên tắc sử dụng hòa bình các vùng biển và đại dương. Moscow cương quyết bác bỏ cáo buộc này, khẳng định NEP đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Nga và mọi tàu thuyền muốn đi qua tuyến hàng hải này cần phải được Nga chấp thuận.

Những khác biệt như vậy tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột cực cao. Hãy thử tưởng tượng kịch bản tàu Hải quân Mỹ đi qua NEP và khẳng định là đang sử dụng tuyến đường biển này dựa trên nguyên tắc tự do hàng hải. Về luật, các tàu được phép đi qua các vùng lãnh hải nếu nó là một phần của một tuyến đường hàng hải thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này thường gây xung đột.

Nguy cơ xung đột quân sự

Chú thích ảnh

Hải quân Mỹ tập trận BALTOPS 2018 gần Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Ảnh: US Military

Quân sự hóa Bắc Cực là một vấn đề. Giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nga đã phát triển khái niệm Căn cứ Chiến lược phương Bắc, được xác định là những phương thức đặc biệt để đảm bảo sự sống sót của các tàu ngầm tên lửa chiến lược. Ý tưởng này nhằm tạo ra những vùng an toàn xung quanh các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo.

Nếu được thực thi, chiến lược nói trên sẽ vấp phải thách thức lớn từ phía Mỹ vì khi đó các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân sẽ thường xuyên được triển khai tại những vùng biển trung lập, điều khiến Washington quan ngại.

Để phân tích một cuộc chiến tranh tổng lực tiềm tàng tại Bắc Cực, chúng ta phải ghi nhớ một yếu tố quan trọng: mọi cuộc xung đột giữa các nước tại khu vực này đều có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rõ ràng có quan tâm tới Bắc Cực. Do vậy, nếu chiến tranh nổ ra, một phe sẽ bao gồm Mỹ, Na Uy, Canada, Greenland và Đan Mạch. Bên còn lại là Nga. Trung Quốc cũng có thể tham chiến do nước này thời gian gần đây ngày càng tích cực chứng tỏ sự hiện diện ở Bắc Cực.

Chú thích ảnh

Lính Mỹ diễn tập tác chiến tại Bắc Cực. Ảnh: Oriental Review

Kể từ thời Peter Đại Đế, vùng Bắc Cực luôn được coi là lãnh địa lâu đời của Nga. Vùng băng tuyết rộng 20 triệu m2 này không được ai ngó ngàng tới, ngoại trừ Nga. Tuy nhiên, sự biến đổi ở Bắc Cực đã khiến khu vực một thời bị bỏ quên này thành tiêu điểm của cạnh tranh thương mại và chiến lược. Các nguồn tài nguyên nằm dưới các tảng băng ở Bắc Cực trong nhiều thiên niên kỷ qua giờ cũng có thể tiếp cận được. Năm 2008, Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS) ước tính Bắc Cực có khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% khí tự nhiên của thế giới. Nơi đây cũng giàu các tài nguyên như vàng, urani, kim cương, đất hiếm và cá.

Về cơ bản, mọi quốc gia phát triển đầu có lợi ích ở khu vực này, chỉ có điều họ công khai thừa nhận hay không mà thôi. Dù viễn cảnh biến tiềm năng lớn của Bắc Cực thành lợi ích thiết thực vẫn còn chặng đường dài phía trước, song sự cạnh tranh và nguy cơ xung đột đang ngày càng lớn ở khu vực này. Chừng nào “Chiếc bánh Bắc Cực” còn ở trên bàn, thì các nước quanh khu vực này còn tìm kiếm miếng bánh của mình.

Theo baotintuc.vn