Các hãng hàng không Việt Nam (VN) ngày càng chịu chi tiền khủng để mua sắm máy bay, mở rộng quy mô đội bay. Động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng đồng thời cũng gây sức ép lên hạ tầng hàng không đang phát triển một cách không tương ứng.
Ồ ạt mua máy bay
Vietnam Airlines vừa nhận chiếc máy bay Airbus A350-900 thứ 14, hoàn tất hợp đồng được ký từ năm 2007. Việc đầu tư mạnh mẽ dòng máy bay hiện đại nhất thế giới của Vietnam Airlines nhằm nâng cấp hạng dịch vụ trên thế giới, đồng thời bổ sung cho đội bay phục vụ các đường bay nội địa và đặc biệt tuyến quốc tế.
Đến thời điểm này Vietnam Airlines đã sở hữu hơn 100 máy bay và dự kiến trong năm nay, hãng bay nội địa lớn nhất VN có thể nhận thêm 17 chiếc A321 neo cùng ba chiếc B787.
Vietnam Airlines không phải là hãng bay duy nhất trong cuộc đua mua máy bay. Vào cuối tháng 2 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet và ông Kevin McAllister, Chủ tịch Tập đoàn Boeing, đã cùng ký kết hợp đồng mua 100 máy bay với tổng trị giá 12,7 tỉ USD. Những chiếc máy bay đầu tiên của đơn hàng này sẽ được giao vào quý IV-2019. Trước đó, VietJet cũng đã ký một hợp đồng mua 100 máy bay.
Hiện tại, VietJet đang vận hành 64 máy bay và số lượng đội bay sẽ tăng lên theo thỏa thuận hợp đồng. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, các đơn hàng mua máy bay nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới bay quốc tế và nội địa. Mặt khác, VietJet chủ trương đầu tư đội máy bay mới, hiện đại, đồng bộ và coi đây là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển lâu dài của hãng.
Bamboo Airways, hãng bay mới nhất của VN, mới đây cũng đã ký một hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Trước đó không lâu, hãng bay này đã ký mua 20 chiếc máy bay cùng loại. Những máy bay đầu tiên sẽ được phía Boeing bàn giao cho đối tác VN từ quý III-2020.
Ông Trịnh Văn Quyết, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho biết việc gia tăng đội bay đến từ việc nghiên cứu thị trường rất kỹ khi nhìn thấy số lượng máy bay chưa đủ đáp ứng thị trường hàng không VN. Đồng thời, ông đặt tham vọng sẽ đưa Bamboo Airways trở thành hãng hàng không năm sao của thế giới với tầm nhìn phải vượt ra khỏi khu vực.
Bamboo Airways, hãng bay mới nhất của VN, mới đây đã ký một hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. |
Nguồn tiền từ đâu
Câu hỏi được không ít người đặt ra là các hãng bay ồ ạt mua máy bay nhưng nguồn tài chính để thu xếp cho các hợp đồng lên đến cả chục tỉ USD từ đâu. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết nguồn tài chính mua máy bay đến từ nguồn vốn tự có, ngoài ra các tổ chức và định chế tài chính cũng sẵn sàng tài trợ tới 80%. Trong khi đó, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet, cho biết thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tài chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính nghiệp vụ “Sale and leaseback” mới là yếu tố khiến các hãng hàng không mạnh dạn ồ ạt đầu tư máy bay. Đây là phương thức mua đi và bán lại, sau đó thuê lại chính các máy bay mới bán này.
Ông Khánh giải thích, phương thức bán và thuê lại một mặt giúp hãng có nguồn thu lợi nhuận lớn, mặt khác giúp giảm 15%-20% chi phí thuê máy bay hoạt động so với thị trường nhờ mức độ tín nhiệm cao của hãng hàng không và số lượng máy bay thuê lớn. “Chúng tôi không phải trả bất cứ khoản nợ hay chi phí nào, ngoài tiền thuê máy bay thông thường” - ông Khánh nói.
Những lời ông Khánh nói đã được chứng minh trong báo cáo quý III-2018, khi VietJet kiếm được khoản doanh thu lớn từ nghiệp vụ “Sale and leaseback” với hơn 3.700 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ không có doanh thu này.
Cách làm này của VietJet không quá xa lạ với Vietnam Airlines. Cách đây vài năm, thị trường xôn xao với việc hãng bay quốc gia bán đi các máy bay A350 vừa mới đưa vào khai thác. Khi đó, người phát ngôn Vietnam Airlines đã giải thích, hãng đang sử dụng nghiệp vụ xử lý tài chính khá phổ biến trên thế giới là bán và thuê lại.
Lo không có chỗ đậu máy bay
Theo ông Lưu Đức Khánh, sự quá tải hạ tầng chỉ ở vài sân bay lớn, còn lại nhiều sân bay vẫn hoạt động với công suất chưa cao. Hơn nữa, các hợp đồng mua máy bay của VietJet được giao trong thời gian dài chứ không phải một thời điểm nên không gây quá tải cục bộ.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến lo ngại với việc các hãng bay ồ ạt mở rộng đội bay cùng với việc phục vụ cho các hãng bay quốc tế sẽ gây sức ép lên hạ tầng hàng không cực kỳ lớn. Tại tọa đàm “Hàng không: Cơ hội, cạnh tranh cùng phát triển” diễn ra ngày 11-4 vừa qua, ông Đỗ Đức Tú, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ KH&ĐT), khẳng định tăng trưởng nóng của ngành hàng không đang mang về những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.
“Sân bay Tân Sơn Nhất chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự phát triển nóng ngành hàng không. Nó thể hiện không chỉ quá tải về nhà ga, sân đỗ mà còn ở đường cất, hạ cánh” - ông Tú nói.
Chính phủ cũng đã nhìn thấy sự quá tải của hạ tầng hàng không nên trong Quyết định 236 của Thủ tướng đã phê duyệt nhu cầu vốn cho các dự án hàng không thời gian tới lên tới 227.800 tỉ đồng, tương đương với 14,2 tỉ USD. Trong đó, sân bay Long Thành được nhắc đến như là điểm thu hút trở thành cảng trung chuyển trong khu vực và giải tỏa áp lực cho sự quá tải hạ tầng sân bay.
Hàng không Việt Nam đang tăng trưởng nóng Theo Cục Hàng không VN, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không VN đạt trên 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hóa, tăng 26% so với năm 2017. Số lượng máy bay của các hãng bay Việt đã tăng hơn gấp ba lần từ 60 chiếc năm 2008 lên 192 chiếc vào năm 2018. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trong giai đoạn 2016-2021, hàng không VN có tăng trưởng kép ở mức 17,4%-20% trong khi trung bình ASEAN là 6,1%. Tuy nhiên, WB cũng lên tiếng khuyến nghị rằng trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của hàng không VN do sự bùng nổ nhu cầu đi lại của người dân và sự gia nhập ngày càng nhiều của các hãng hàng không giá rẻ, VN cần phải nhanh chóng mở rộng sân bay và đường băng. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)