Thảo luận về dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Đại biểu Quốc hội đề nghị thay từ "địch" bằng từ "hành vi". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ đã xâm phạm thì là hành động chứ không còn là hành vi.
Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, dự thảo luật quy định việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp.
Ông cho rằng quy định này chỉ phù hợp với nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia, bởi đây là những mục tiêu có thể sẽ bị địch đánh phá ngay trong giai đoạn đầu chiến tranh.
Đối với doanh nghiệp khác thì quy định trên chưa thực sự phù hợp. Bởi vì, nhân sự của doanh nghiệp sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Các nhiệm vụ này chiếm một thời gian nhất định khiến người lao động không tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn.
Góp ý về từ ngữ, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho biết dự thảo luật nêu: "Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu phòng, chống địch đột nhập, tiến công đường không".
Ông Thân cho rằng từ "địch" là ngôn ngữ của quốc phòng, chính trị, từ "địch - ta" đã quá quen thuộc, nhưng khi đưa vào văn bản luật thì nên sử dụng từ "hành vi" - hành vi tấn công, hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, hành vi xâm phạm vùng trời và hành vi thâm nhập vào những vị trí cần bảo vệ.
Theo đại biểu tỉnh Khánh Hòa, khi dùng từ ''hành vi'' thì rõ với ngôn từ lập pháp và ai cũng hiểu; nếu dùng từ "địch" thì phải giải thích thế nào là "địch", mặc dù ai cũng hiểu "địch'' không phải là ''ta".
Giải trình sau đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, không xác định mục đích quân sự với doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Với nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, nếu đánh vào đó có ý nghĩa quan trọng thì sẽ tiến công tiêu diệt, "chứ không phải cứ to mới đánh".
Về dùng từ "địch” hay từ “hành vi", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đây là một luật chuyên ngành tương đối hẹp và "chúng tôi phân tích rõ địch, ta", còn "hành vi" thì chưa rõ ràng; khi đã xâm phạm thì rõ ràng là hành động chứ không còn là hành vi.
"Tôi rất mong đại biểu chia sẻ với tôi điều này. Một là một, hai là hai", Bộ trưởng nói.
Dự thảo luật nêu rõ nhiệm vụ phòng không nhân dân là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Có đại biểu đề nghị cần quy định thêm về phạm vi quản lý trên 5.000m.
Giải trình vấn đề này, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ, cự ly độ cao 5.000m hiện nay đã trang bị pháo 37mm cho lực lượng dân quân tự vệ, được dùng từ thời chống Mỹ. Loại pháo hai nòng có độ cao bắn được 5.000m tính từ vị trí bố trí trận địa, có trận địa cao thêm hàng trăm mét.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, có rất nhiều phương tiện quan sát, riêng phòng không không quân đã có hàng chục loại radar, sóng để xác định độ cao, cự ly và sẽ phát hiện ra ngay lập tức. Các mục tiêu bố trí trận địa phòng không cũng phải tính toán có thế đánh, có thế thủ, có thế giữ và cũng phải có thế lui.
Đề xuất mở ngành đào tạo về phương tiện bay không người lái
Đại biểu Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thì ''thiết bị không người lái'' đang là hướng nghiên cứu quan trọng.
Sinh viên năm nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã bắt đầu thực hành lắp ráp, điều hành, điều khiển các thiết bị. Vì vậy ông Quân cho rằng cần có hành lang pháp lý liên quan đến nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực này.
Thế giới có các ngành và mã ngành đào tạo liên quan đến phi công - người điều khiển các thiết bị. Ông Quân nhìn nhận việc đào tạo, bồi dưỡng để cấp phép không chỉ ngắn hạn mà còn dần thành chương trình đào tạo dài hạn.
Ông đặt vấn đề, hiện nay, việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, tuy nhiên việc đào tạo có nên cho phép các đại học mở ngành học hay không.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh "phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu". Vì vậy dự thảo Luật Phòng không nhân dân không nêu khái niệm chi tiết, bởi "càng chi tiết thì càng thiếu".
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân quy định 4 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.