Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ của 47/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và tác động của nhiều loại hình văn hóa hiện đại, nhưng văn hóa cồng chiêng ở đây vẫn được bảo tồn và hòa nhịp với cuộc sống đương đại.
Năm 2005, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên rất tự hào khi không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Nhờ đó, bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên đã có cơ hội tốt hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá tới nhân dân các nước trên thế giới.
Ngay sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 và Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND ngày 6/7/2012 về "Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2007-2015". Trên cơ sở kết quả đạt được của hai nghị quyết này, ngày 30-8-2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk" giai đoạn 2016-2020 với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO...
Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2007 đến năm 2020, tỉnh đã cấp ngân sách mua và cấp 154 bộ chiêng cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh, trong đó giai đoạn 2016-2020 cấp được 26 bộ chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn. Sở VHTTDL và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức được 124 lớp truyền dạy đánh chiêng cho hàng trăm thanh thiếu niên, học sinh là con em đồng bào DTTS các buôn làng và các trường học trong tỉnh; phục dựng được 136 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh… với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đầu tư nhiều kinh phí cho sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng cổ, hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ. Phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam mở các lớp truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi cho con em đồng bào dân tộc. Tổ chức trình diễn và phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của người Ê-đê; lễ cúng lúa mới, lễ cúng ché của người M’nông; tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ của đồng bào các dân tộc.
Đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10, tổng kinh phí triển khai thực hiện là hơn 20,3 tỷ đồng. UBND tỉnh Đắk Lắk giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị lin quan phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trên và các nội dung đã cam kết trong hồ sơ trình Tổ chức UNESCO.
Cụ thể, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện như ngày hội, hội thi, hội diễn, liên hoan, trưng bày, triển lãm… Các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức phục dựng ít nhất 1 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các DTTS trên địa bàn gắn với hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Ê Đê, Mnông trong sinh hoạt cộng đồng. Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng để duy trì văn hóa cồng chiêng. Cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở các buôn làng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, từng bước hệ thống hóa tư liệu văn hóa cồng chiêng và hình ảnh các bộ chiêng cổ trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào trường DTNT và bán trú trên địa bàn tỉnh.
Với những hỗ trợ thiết thực đó, văn hóa cồng chiêng vẫn được bảo tồn và hòa nhịp với cuộc sống đương đại ở nơi rừng già Trường Sơn.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2020 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.098 bộ chiêng, 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng, 311 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 1.366 nghệ nhân biết chơi các nhạc cụ truyền thống… Những nghệ nhân này là lực lượng nòng cốt giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng Đắk Lắk.
Bảo Phùng, Giao Linh, Huyền Sâm, Văn Giáp