Trên thực tế đã ghi nhận nhiều vụ cháy xảy ra tại các làng nghề. Chỉ tính riêng tại làng nghề sản xuất chăn ga gối đệm ở huyện Thường Tín (Hà Nội), trong năm 2022 đã ghi nhận 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 21/8, tại một cơ sở sản xuất chăn ga gối đệm rộng khoảng 200m2 ở xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) đã xảy ra một vụ cháy lớn vào sáng sớm. Do trong nhà xưởng vừa sản xuất vừa chứa hàng là thảm, chăn ga gối đệm nên ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, tạo thành cột khói đen cao hàng chục mét. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều hàng hóa, tài sản bên trong bị thiêu rụi.

Trước đó, vào ngày 2/5, tại làng nghề này cũng ghi nhận một vụ cháy lớn ở một xưởng sản xuất chăn bông. Do trong xưởng đều là vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa đã nhanh chóng lan sang 3 nhà xưởng bên cạnh. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng 280m2 nhà xưởng sản xuất của 4 hộ gia đình đã bị cháy cùng nhiều tài sản khác.

chay tai thuong tin 218.jpg
Vụ cháy nhà xưởng sản xuất chăn, ga tại xã Tiền Phong

Hiện nay, các làng nghề chủ yếu tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có tính chất cháy nổ cao, đơn cử như dệt may, mây tre đan, đồ gỗ… Do đó, việc nâng cao hiệu quả PCCC là rất cấp thiết.

Đối với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, cần triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, nâng cao ý thức, nhận thức, kỹ năng PCCC cho chính bản thân và những người lao động. Đặc biệt đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ, cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng hệ thống điện an toàn, đảm bảo các máy móc, thiết bị trong dây truyền sản xuất vận hành an toàn.

Bên cạnh đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề cũng cần phải thường xuyên tự kiểm tra, tự đánh giá về an toàn PCCC để kịp thời khắc phục những thiếu sót, sơ hở, sẵn sàng lực lượng và thiết bị để xử lý khi xảy cháy nổ.

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác an toàn PCCC của các cấp chính quyền địa phương như tăng cường tuyên truyền, tập huấn các biện pháp an toàn PCCC, các phương án cứu nạn cứu hộ để người dân có thể chủ động hơn khi xảy ra cháy nổ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các chủ cơ sở, người lao động và người dân trong làng nghề.

Cùng với đó, cần có phương án đầu tư, hỗ trợ các trang thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với đặc điểm của làng nghề như bình chữa cháy xách tay, máy bơm chữa cháy và các dụng cụ phá dỡ cần thiết khác.

Chính quyền địa phương cùng với các sở, ban, ngành cũng cần thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát về các biện pháp an toàn PCCC tại các làng nghề. Bên cạnh đó, cũng cần có những phương án di dời các hộ sản xuất, kinh doanh có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư để tránh xảy ra cháy để lại những hậu quả nặng nề cả về người và tài sản.