UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về quá trình hiện đại hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác PCCC và CNCH. Theo báo cáo, từ năm 2013 đến 2023, Cảnh sát PCCC nhận được tổng cộng 1.284 tin cứu nạn cứu hộ và tổ chức cứu, hướng dẫn thoát nạn cho hơn 1.000 người và tìm được 239 thi thể nạn nhân.
CATP Hà Nội hiện đang duy trì hoạt động một Trung tâm thông tin chỉ huy, chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ liên quan PCCC, người dân báo cháy qua số điện thoại 114. Hệ thống thông tin liên lạc chính của lực lượng Cảnh sát PCCC thông qua điện thoại để bàn, điện thoại di động và bộ đàm.
Năm 2015, Bộ Công an tổ chức thí điểm mô hình hệ thống cảnh báo cháy nhanh tại địa bàn quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, hệ thống mới chỉ giới hạn trong phạm vi truyền tin báo sự cố và hỗ trợ công tác chỉ huy điều hành mà chưa ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về PCCC.
Hệ thống của một số nhà cung cấp chưa có chức năng giám sát, lọc, phân loại tín hiệu dẫn tới báo lỗi, báo giả nhiều, dẫn đến toàn bộ tín hiệu phải xác minh gây mất thời gian và phát sinh chi phí.
Ngày 31/12/2020, Bộ Công an quy định các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải kết nối thông tin về Trung tâm thông tin chỉ huy 114 của CATP, tuy nhiên đến nay chưa triển khai.
Cục Cảnh sát PCCC cũng đã xây dựng app Báo cháy 114. Đến nay, Hà Nội có 35.818 lượt người tải và đăng ký sử dụng tài khoản, 1.023 triệu lượt truy cập. Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đang tạm dừng để nâng cấp app, đồng thời để sơ kết, đánh giá về hiệu quả sử dụng.
Mặt khác, nhiều tư liệu, tài liệu phục vụ quản lý về PCCC và tác chiến chữa cháy, CNCH vẫn được thu thập và bảo quản theo phương pháp thủ công dẫn tới việc rất khó để có thể tiến tới việc áp dụng thêm các công nghệ hiện đại đã dần trở nên thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như tích hợp với Internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo AI; dẫn đường tự động bằng kỹ thuật bản đồ số tích hợp GPS và camera nhận dạng hiện trường cho hoạt động chữa cháy và CNCH; thực hiện các phân tích dự báo có yếu tố thiên nhiên và xã hội để tổ chức dự phòng lực lượng và trang thiết bị…
Trong nhiều năm qua, thành phố chưa có nhiều đề tài khoa học cũng như các công trình nghiên cứu liên quan công tác PCCC và CNCH. Đặc biệt, chưa có sản phẩm khoa học ứng dụng cao vào công tác PCCC và CNCH trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đề xuất lực lượng cảnh sát PCCC đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 như: Số hóa, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn (big data), viễn thông 5G... cho việc xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC
Đồng thời, xây dựng các hệ thống tự động truyền tin báo cháy sử dụng mạng thông tin di động tích hợp trong các hệ thống báo cháy tự động được cài đặt trên điện thoại thông minh của chủ nhà, chủ cơ sở và của lực lượng cảnh sát trên địa bàn hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo dưỡng hệ thống PCCC cho cơ sở khi cần thiết. Kỹ thuật này giúp cho thiết bị có thể giám sát báo cháy chính xác đến từng vùng, từng khu vực bên trong cơ sở.
Thời gian tới, TP Hà Nội cũng triển khai thử nghiệm ứng dụng nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số trong lĩnh vực PCCC. Phối hợp Cục Tần số vô tuyến điện rà soát và xử lý nhiễu đối với hệ thống thông tin vô tuyến (bộ đàm) dùng riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC để điều hành các hoạt động chỉ huy, công tác chữa cháy trên địa bàn.