Chi  4,2 nghìn tỷ cho công tác chống dịch

Theo Báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), trong 7 tháng đầu năm 2021, Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Còn các địa phương đã chi 760 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Để tập trung nguồn lực chi phòng, chống dịch, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ đã huy động được hơn 8.000 tỷ đồng, cùng với kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước để thực hiện mua vaccine phòng Covid-19 khoảng 25.000 tỷ đồng mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình các phương án tiết kiệm chi và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước.

{keywords}
Đảm bảo và ưu tiên chi ngân sách cho phòng, chống dịch

Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng chi đầu tư phát triển và giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2021. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1376/QĐ-TTg ngày 1/8/2021 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ động quyết định việc sử dụng kinh phí được giao cho phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của công tác phòng, chống dịch và phù hợp với yêu cầu chuyên môn theo từng giai đoạn.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 5463/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính, công văn nêu rõ, để chủ động nguồn lực đáp ứng kịp thời các nhu cầu theo quy định, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách trung ương trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:

Bộ Tài chính căn cứ tình hình thu ngân sách nhà nước, diễn biến thực tiễn của dịch Covid-19 để chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách nhà nước năm 2021, bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhu cầu theo quy định, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách trung ương trong mọi tình huống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2021.

Tiếp tục đảm bảo nguồn lực 

Tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Đồng thời, giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch.

Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.

Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đối với việc điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau, Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động thực hiện theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương. Bộ Tài chính công khai, minh bạch việc sử dụng Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Y tế chủ trì, rà soát nhu cầu kinh phí mua, nhập khẩu và phương án sử dụng vắc xin, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.

Bộ Y tế xác định số lượng vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mua sắm tại Trung ương đã phân bổ, đã thực cấp cho các địa phương và chi phí liên quan, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi, xác định số kinh phí ngân sách địa phương phải chi theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021.

Trên cơ sở dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với những vấn đề luật quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến kinh phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội...

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đời sống của một bộ phần người dân gặp khó khăn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN trong thời gian tới.

Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vắc-xin và cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh...

Đáng chú ý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19; Thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi phòng chống dịch Covid-19.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh