Thị trường sụt giảm, các doanh nghiệp ô tô đề xuất giảm 50% phí trước bạ

Tính từ tháng 5/2022, cũng là tháng cuối cùng "đòn bẩy" giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước kết thúc, sau khi đạt doanh số đỉnh điểm toàn thị trường trên 50.000 xe, lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đến cuối năm 2022 và đầu 2023 sụt giảm nghiêm trọng.

Bức tranh toàn cảnh của giới kinh doanh ô tô khá ảm đạm khi nhìn vào các tháng tiếp theo của năm 2023.

Dữ liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng 2 tháng đầu năm 2023 toàn thị trường đạt 40.354 xe, giảm 25% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47%. Sự khó khăn thể hiện rõ nhất vào tháng 1-tháng trước Tết Nguyên đán khi toàn thị trường đạt 17.852 xe, giảm 60% so với tháng 12/2022 và 54% so với cùng kỳ 2022. Đây là một hiện tượng bất thường, khác với quy luật mua sắm hàng năm.

Trước tình hình đó, đầu tháng 3, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một số địa phương, đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng ô tô. Tương tự, đại diện 12 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cũng mong muốn việc giảm lệ phí trước bạ áp dụng cho cả xe lắp ráp lẫn xe nhập để cứu thị trường.

Chính sách giảm tương tự cho xe lắp ráp trong nước từng được Chính phủ áp dụng hồi năm 2021 - 2022, và thực tế đã có hiệu quả giúp ngành kinh doanh ô tô khởi sắc trở lại, thậm chí lập kỷ lục trên 400 ngàn xe vào năm ngoái.

Trong lần đề xuất này, giới kinh doanh ô tô nhấn mạnh sự khó khăn của thị trường là rất cấp bách, khi thực tế siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ôtô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao.

Các đại lý luôn trong tình trạng vắng khách hỏi mua xe. 

Giới buôn xe vẫn lo "ế" dù được "giải cứu"

Gần một tuần nay chưa chốt được chiếc xe nào anh Nguyễn Đăng, nhân viên một đại lý xe KIA ở Hà Nội buồn bã cho biết, tình trạng ế ẩm kéo dài, khách tới đại lý đa phần chỉ để xem xe và khảo sát giá.

"Do tác động của vĩ mô kinh tế nói chung, người dân thắt chặt chi tiêu nên khách hàng cũng không mặn mà với việc mua xe ô tô. Lượng khách hỏi thật, mua thật giảm đến 40% so với cùng kỳ mọi năm. Nhiều chương trình ưu đãi được tung ra, giá xe cũng giảm sâu từ 20-70 triệu đồng những phải 2-3 ngày, đại lý mới chốt bán được một chiếc xe. Hy vọng đề xuất giảm phí sẽ được thông qua. Đây sẽ là cơ hội để kích cầu sức mua trên thị trường tăng trưởng trở lại", anh Đăng nói. 

Anh Vũ Thành, nhân viên đại lý Hyundai ở Hà Nội cũng mong mỏi Chính phủ sớm có chính sách "giải cứu" ngành ô tô. Anh chia sẻ: "Chỉ tiêu đại lý phải bán được 150 xe/tháng. Nhưng 2 tháng nay, chúng tôi đều không đạt. Việc ế khách trong thời gian dài khiến đại lý đau đầu tìm cách cân đối chi phí vận hành trong bối cảnh lượng xe tồn kho hiện rất lớn. Đa số các xe đều được bán dưới giá đề xuất, có mẫu giảm hơn 100 triệu đồng nhưng vẫn không có khách mua. Tôi nghĩ nếu đại lý giảm giá xe, cộng thêm việc nhà nước giảm thuế thì mới hấp dẫn được khách hàng xuống tiền mua xe trong bối cảnh hiện tại".

Nhiều mẫu xe vốn đang được giảm giá sâu nhưng khách hàng vẫn thờ ơ. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, lần này nếu được thông qua, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cũng không đủ sức vực dậy thị trường trước tình hình kinh tế quá khó khăn. 

“Đề xuất giảm 50% phí trước bạ như 'muối bỏ biển'. Bởi trên thực tế, nhiều xe 'hot' hiện tại cũng đang được người bán tự tặng phí trước bạ 50-100%, giảm tiền mặt cả trăm triệu, tặng quà giá trị, còn chưa thấy doanh số đâu. Khách thì dè dặt, tính toán và chờ đợi. Nên theo tôi, việc giảm thuế trước bạ chỉ là biện pháp giúp thị trường bớt giảm sâu, chứ khó có thể tạo ra đột phá như năm 2020, 2022”, anh Quang Huy, trưởng phòng kinh doanh một đại lý Nissan ở Hà Nội cho biết. 

Anh Dương Vĩnh Nam, chuyên gia ô tô cũng cho rằng, hiện nay doanh số đang suy giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái do tình hình suy thoái chung. Nếu chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ được áp dụng thì dự đoán doanh số cũng chỉ tăng thêm khoảng 20-30%. 

"Chính sách giảm thuế trước bạ từ Chính phủ phải kéo dài đến năm 2024 thì mới hy vọng thị trường 'sáng' lên, tạo điều kiện cho các hãng có đủ thời gian chuẩn bị sản phẩm chiến lược mang về Việt Nam vào năm sau", anh Nam nói. 

Cũng theo anh Nam, nếu như năm 2021-2022 khi ưu đãi lệ phí trước bạ có hiệu lực, các hãng xe bắt đầu có động thái cắt giảm khuyến mại... thì với tình hình hiện nay, người tiêu dùng có thể yên tâm hưởng ưu đãi kép khi người bán chắc chắn phải duy trì giảm giá, khuyến mãi để kích cầu, kéo thị trường đi lên. 

Bạn có bình luận thế nào về đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!