Theo Insider, vào năm 2014, sau khi thấy được khả năng tiếp cận chính xác mục tiêu theo ý muốn của tên lửa và bom được trang bị công nghệ dẫn đường, quân đội Mỹ đã có ý tưởng về một loại đạn thông minh.
Việc tích hợp các công nghệ tiến tiến vào một viên đạn có kích thước nhỏ không hề dễ dàng, nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Trong vài năm trở lại đây, Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) đã giám sát và đầu tư cho những dự án đạn thông minh đầy hứa hẹn.
Đặc điểm của đạn thông minh
Ưu điểm lớn nhất của đạn thông minh là độ chính xác cao, có thể đánh bại các vũ khí đang dần trở thành xu thế như UAV cảm tử. Ngoài ra, khả năng bám đuổi mục tiêu cũng giảm thiểu những thương vong ngoài ý muốn trong quá trình tác chiến.
Theo Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ rất nhiều lần không thể sử dụng vũ khí uy lực nhất do nguy cơ gây nguy hiểm cho dân thường. Một viên đạn 12,7 × 99mm đủ mạnh để tiêu diệt nhiều mục tiêu quân sự, nhưng không xạ thủ nào có thể đảm bảo tỷ lệ chính xác 100% và hạn chế hoàn toàn sự cố.
Tuy vậy, đạn thông minh cũng có những nhược điểm rất rõ ràng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Đầu tiên là giá thành, các viên đạn tích hợp công nghệ không hề rẻ, và cũng không thể sản xuất hàng loạt như đạn thông thường. Thứ hai là khả năng tương thích không cao, bởi các loại đạn phổ thông là quá nhỏ để trang bị công nghệ này.
Các loại đạn thông minh hiện nay
1. EXACTO
EXACTO là tên gọi tắt của "Vũ khí tấn công độ chính xác cao", một chương trình do DARPA phát triển. Vì lý do an ninh, hầu hết công nghệ trên loại đạn này đều được giữ bí mật. Nhưng từ những đoạn video thử nghiệm, loại đạn này có kích cỡ 12,7 × 99mm, được bắn từ súng bắn tỉa Barrett M107, có thể dễ dàng tiêu diệt mục tiêu di động.
2. Đạn dẫn đường của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia
Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia từng giới thiệu một mẫu đạn 12,7 × 99mm dẫn đường bằng laser. Loại đạn này có thiết kế giống với một tên lửa tí hon, có thể đánh bắn trúng mục tiêu chính xác ở khoảng cách hơn 1.600m.
Vấn đề của nguyên mẫu tới từ Sandia là tốc độ bay chậm, chỉ khoảng 730 m/s, trong khi vận tốc trung bình của một viên đạn thông thường là 915 m/s. Ngoài ra, loại đạn này cần sử dụng một khẩu súng nòng trơn, không có đường rãnh, khiến chúng không phù hợp với các loại súng đang được sử dụng trong quân đội Mỹ. Tuy vậy, công nghệ dẫn đường laser là một ý tưởng rất thú vị, có thể hạ giá thành của đạn thông minh.
3. MAD-FIRES
Không giống với 2 loại đạn trên, MAD-FIRES được thiết kế cho pháo tự động 57mm của các chiến hạm. Những khẩu pháo kiểu này có thể chứa 1.000 viên đạn với tốc độ khai hỏa 200 phát/phút. Cỡ nòng 57mm khiến cho việc tích hợp công nghệ dẫn đường dễ dàng và tiện lợi hơn so với đạn 12,7 × 99mm.
Các chuyên gia quân sự cho biết, nếu hoàn thiện về mặt công nghệ, MAD-FIRES sẽ trở thành vũ khí chủ lực để chống lại các nguy cơ an ninh mới, như một cuộc tập kích bầy đàn của UAV cảm tử.
Việt Dũng