“Thực tiễn đang đòi hỏi tổ chức công đoàn ở Việt Nam phải thật năng động, thực sự là đại diện cho người lao động. Nếu còn kiểu cán bộ trên trời rơi xuống, con ông cháu cha thì sẽ thất bại”, Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định.
Thưa ông, nhiều người nói rằng vấn đề tự do thành lập công đoàn có phải là vấn đề khúc mắc nhất trước khi đàm phán, thậm chí cả sau khi đàm phán gia nhập TPP hoàn tất?
Người ta có quyền suy nghĩ, nói vậy. Nhưng tôi cho rằng, yêu cầu lớn nhất của TPP về vấn đề này là các nước thành viên phải đảm bảo các nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Trên thực tế, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức ILO nhiều năm rồi, đã ký kết và tham gia 5/8 công ước lao động cơ bản của ILO.
Chỉ còn lại 3 công ước cơ bản khác là công ước 87 về tự do thành lập hiệp hội, công ước 98 về tự do thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể và công ước 105 về chống lao động cưỡng bức. Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ các công ước này.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: sggp |
Mặc dù còn 3 công ước chưa phê chuẩn nhưng cơ bản mình cũng đã thực hiện nội dung một số công ước như tự do thỏa thuận, thỏa ước lao động tập thể. Mấy năm nay, Công đoàn Việt Nam đã đào tạo kỹ năng thương thảo cho cán bộ công đoàn để cán bộ công đoàn có trình độ, kỹ năng, kiến thức thương thảo với chủ lao động ký kết thỏa thuận lao động tâp thể, chỉ đạo công đoàn cơ sở thương thảo với chủ sử dụng lao động để có những điều khoản thuận lợi hơn cho người lao động ngoài quy định của luật pháp. Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện điều đó.
Một vấn đề nữa là việc tự do thành lập tổ chức công đoàn. Theo điều 5 của Luật Công đoàn đã được Quốc hội thông qua, người lao động được tham gia, thành lập công đoàn. Tức là đã có hướng dẫn để công đoàn cấp trên hướng dẫn thành lập công đoàn cấp dưới, và có thể tự thành lập, thực hiện theo điều 16. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đang thảo luận và thông qua luật về Hội.
Tựu chung lại, phê chuẩn các công ước này chỉ có lợi cho người lao động nên tổ chức công đoàn cũng đồng tình, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Chính phủ thông qua các công ước còn lại.
Theo như yêu cầu của Việt Nam và điều này cũng được các nước thành viên TPP chấp thuận thì Việt Nam sẽ phải mất 5 năm nữa để đáp ứng hoàn toàn các qui định liên quan đến vấn đề công đoàn. Từ đây đến đó theo ông, không chỉ về mặt chính sách, các mặt tổ chức của công đoàn Việt Nam sẽ phải thay đổi thực chất thế nào?
Lộ trình thế nào là do Chính phủ, nhưng riêng về tổ chức công đoàn thì chúng tôi cho rằng, nếu những điều đó có lợi cho người lao động thì phải ủng hộ.
Dù sao, thực tiễn đang đòi hỏi tổ chức công đoàn ở Việt Nam phải thật năng động, thực sự là đại diện cho người lao động, nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi cho họ. Cán bộ công đoàn cũng phải xuất thân từ đội ngũ công nhân, nói được tiếng nói của họ, truyền đạt được tâm tư nguyện vọng của công nhân. Cán bộ công đoàn mà làm việc với công nhân bên dưới mà lại như cán bộ cấp trên là thất bại.
Để thay đổi không khi hiện nay, không ít người cho rằng phần lớn các tổ chức công đoàn cơ sở phải thực sự đại diện cho người lao động?
Những năm gần đây đã có thay đổi nhiều nhưng vẫn còn những công đoàn cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng hết yêu cầu của người lao động. Tổ chức công đoàn sắp tới phải thay đổi tận gốc phương thức hoạt động của mình đặc biệt là làm sao tuyển chọn được đội ngũ cán bộ công đoàn, phải làm sao cán bộ công đoàn phải từ thủ lĩnh của công nhân ở cơ sở, dưới các nhà máy, xí nghiệp. Ở những tập thể công nhân đồng cam cộng khổ với nhau, họ suy tôn ra những đại diện cho họ thì chính những người đó làm công đoàn thì sẽ rất tốt.
Có vẻ như ngay từ bây giờ, giới chủ sử dụng lao động đang có những lo ngại về những thay đổi của tổ chức công đoàn trong thời gian tới theo yêu cầu của TPP?
Việc thay đổi theo hiệp định TPP sẽ làm cho công đoàn mạnh lên. Một khi đã mạnh lên thì sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn cho người lao động.
Tổ chức công đoàn Việt Nam luôn tôn trọng quyền lợi của chủ sử dụng lao động và đặc biệt luôn đặt quyền lợi của đất nước lên trên. Phải làm sao hài hòa được quyền lợi người lao động, chủ sử dụng và lợi ích phát triển chung của đất nước. Tìm được điểm chung này là khó.
Thưa ông, hiệp định TPP chỉ yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các công ước của ILO hay họ cũng có những quy định riêng về công đoàn?
Không có quy định riêng. Họ chỉ yêu cầu tôn trọng, thực hiện các công ước của ILO thôi. Vấn đề là VN phải chủ động và đòi hỏi tổ chức công đoàn năng động rất nhiều, nhất là tuyển dụng cán bộ công đoàn, đào tạo, bố trí cho hợp lý. Nếu còn cán bộ công đoàn trên trời rơi xuống, con ông cháu cha thì sẽ thất bại.
Ở các nước, cán bộ công đoàn đa số đều xuất phát từ công nhân. Điều đó quan trọng lắm. Ở ta rồi cũng phải thế. Nếu người đại diện công nhân mà không hiểu, không đại diện được cho người lao động thì sẽ bị xa lánh.
Với những thay đổi sắp tới, nhiều người lo ngại chuyện đình công, lãn công có thể diễn ra nhiều hơn thì quy định về cách thức biểu tình của công nhân sẽ phải thay đổi thế nào, thưa ông?
Vừa qua, có nhiều việc giới chủ làm sai thì công đoàn đã can thiệp, nhưng cũng có những việc giới chủ vẫn gây bức xúc khiến cho người lao động phải đình công, lãn công.
Nhiều cuộc biểu tình tự phát của công nhân đều xuất phát từ nhu cầu bức xúc của công nhân mà giới chủ lao động không đáp ứng. Cho nên, tới đây phải tính đến việc phải sửa đổi luật pháp cho phù hợp thực tiễn.
Mạnh Quân thực hiện