Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong cuộc họp kín hôm 10/7/2014 đã nói việc Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ nguyên trạng trên biển là "không thể chấp nhận được".

>> Mỹ "ứng phó" với quyền lực của TQ

>> TQ trỗi dậy và chiến lược hai trục của Mỹ

>> Vì sao Mỹ ngày càng cứng rắn với TQ?

>> 'Thủ phạm' gây ngờ vực Mỹ - Trung

Trong 2 ngày 9-10/7/2014 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đối thoại kinh tế và chiến lược lần thứ 6. Đây là vòng đối thoại có quy mô sâu rộng nhất từ trước tới nay giữa hai nước và là một phép thử quan trọng đối với mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đang ngày càng trở nên mâu thuẫn và phức tạp.

Khi hai gã khổng lồ của thế giới nói chuyện...

Cuộc đối thoại lần thứ 6 này giữa Mỹ và Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý rất lớn của dư luận khu vực và quốc tế, bởi đây là cuộc đối thoại giữa hai gã khổng lồ.

Mỹ là siêu cường toàn cầu với sức mạnh vượt trội trong suốt nhiều thập kỷ qua. Về kinh tế, mặc dù bị cạnh tranh quyết liệt, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đứng số 1 thế giới. Về chính trị, Mỹ có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế và có nhiều đồng minh ở khắp nơi trên thế giới. Mỹ cũng chi phối hàng loạt cơ chế đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới...

Về quân sự, chi phí quân sự Mỹ, tuy đang phải cắt giảm quy mô lớn, nhưng vẫn đứng đầu thế giới. Mỹ cũng là nước có căn cứ quân sự ở tất cả các châu lục và có thể triển khai lực lượng tới bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian ngắn nhất. Là một quyền lực đã được thiết lập từ lâu, Mỹ luôn mong muốn tiếp tục thống trị thế giới và không muốn để cho bất kỳ nước nào có thể ngoi lên thách thức Mỹ. Nhưng sức mạnh của Mỹ đang trên đà suy giảm.

Trong khi đó, Trung Quốc là một cường quốc khu vực có dân số lớn nhất thế giới và có khả năng thách thức Mỹ. Về kinh tế, Trung Quốc đã lần lượt vượt qua các nền kinh tế lớn như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc hiện là công xưởng của thế giới và đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu.

Về quân sự, trong những năm qua, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, đang tạo ra những thách thức thực sự đối với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Về đối ngoại, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng, có nguy cơ phá vỡ trật tự thế giới mà Mỹ đã chi phối trong nhiều thập kỷ qua. Trung Quốc đại diện cho một quyền lực đang trỗi dậy mạnh mẽ với mong muốn thay đổi nguyên trạng, muốn sắp xếp lại hệ thống quốc tế theo hướng có lợi hơn cho họ.

Quan hệ Mỹ - Trung là cặp quan hệ quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới hiện nay. Tầm quan trọng của mối quan hệ này đã được chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới trong bài phát biểu khai mạc đối thoại: "Hợp tác Mỹ - Trung sẽ mang lại lợi ích cho cả thế giới, nhưng ngược lại sẽ là thảm họa."

Một đặc điểm quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung là sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế và thương mại, nhưng lại mâu thuẫn lợi ích gay gắt và mất lòng tin chiến lược ngày càng nghiêm trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết các mâu thuẫn bất đồng thông qua đối thoại, Mỹ và Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ chế khác nhau để tìm cách thúc đẩy hợp tác, thu hẹp khoảng cách bất đồng. Đến nay hai nước đã có hơn 100 cơ chế đối thoại khác nhau, trong đó đối thoại kinh tế và chiến lược này là cơ chế quan trọng nhất, ở cấp cao nhất và được kỳ vọng nhiều nhất.

{keywords}

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược song phương Mỹ - Trung lần thứ 6. Ảnh: Reuters

Nhưng kết quả rất hạn chế...

Tại cuộc đối thoại này, Trung Quốc đặt mục tiêu phòng ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin và hợp tác cùng thắng. Cuộc đối thoại tập trung bàn về nhiều vấn đề rộng lớn như dân chủ nhân quyền, an ninh mạng, vấn đề biển đảo... Tổng cộng có tới 60 chủ đề được mang ra bàn bạc giữa hai nước, nhưng dường như đến giờ phút này đối thoại không mang lại nhiều kết quả thực chất. Hai lĩnh vực có nhiều triển vọng có thể đạt được nhất trí cao là tạo thuận lợi cho đầu tư song phương và môi trường, nhưng ngay cả trong những lĩnh vực này, thách thức là không nhỏ.

Các tin tức mà báo chí đưa ra đến nay chủ yếu là việc Mỹ đang gây sức ép rất mạnh lên Trung Quốc về nhiều vấn đề như yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế để giảm căng thẳng ở khu vực, kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động đơn phương, có tính khiêu khích ở trên biển Đông và biển Hoa Đông, cùng ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong cuộc họp kín hôm 10/7/2014 đã nói việc Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ nguyên trạng trên biển là "không thể chấp nhận được". Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc. Dường như sức ép bên trong phòng họp thực sự đã làm cho bầu không khí của cuộc đối thoại lần này rất căng thẳng. Ẩn sâu trong sự căng thẳng đó là những khác biệt rất cơ bản, khó có thể hàn gắn trong ngày một ngày hai.

Về phía Trung Quốc, nước này muốn Mỹ "nhìn nhận Trung Quốc một cách khách quan" và đối xử với Trung Quốc công bằng và bình đẳng do sức mạnh của Trung Quốc đã thay đổi; muốn Mỹ công nhận các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, không bao vây, làm suy yếu TQ và không thao túng các tranh chấp khu vực theo những cách gây khó khăn cho Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng Mỹ là nước duy nhất có thể cản bước Trung Quốc trở lại vị trí số 1 thế giới và "giấc mộng Trung Hoa" mà họ đang ấp ủ. Do vậy, họ muốn ổn định quan hệ Mỹ - Trung, ràng buộc Mỹ vào những cam kết có lợi cho Trung Quốc và dùng cơ chế này để răn đe các đối tác, đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Ngược lại, Mỹ luôn nghi ngờ ý đồ thực sự của Trung Quốc và cho rằng thực chất Trung Quốc muốn dùng các cơ chế khác nhau để buộc Mỹ phải nhượng bộ trước các tham vọng của TQ, phải công nhận "các lợi ích cốt lõi" mà TQ tự định ra. Mỹ có nhiều lợi ích to lớn và lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng hầu hết các lợi ích đó lại mâu thuẫn với Trung Quốc.

Mỹ muốn Trung Quốc hành xử có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế. Mỹ tìm cách sử dụng luật quốc tế, chuẩn mực quốc tế... để yêu cầu TQ phải tự điều chỉnh mình trước sự hiện diện và lợi ích của Mỹ ở châu Á. Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn có không gian rộng lớn hơn để khẳng định sức mạnh đang tăng lên của họ nhằm phục vụ cho những mục tiêu không rõ ràng. Chiến lược của Trung Quốc là không minh bạch và không biết giới hạn ở chỗ nào, không biết bao nhiêu là đủ đối với Trung Quốc.

Tương lai của quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?

Liệu các cơ chế đối thoại có giúp hai nước tránh được xung đột hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Có thể khẳng định cuộc đối thoại lần này không đạt được nhiều kết quả, mà chỉ là một phép thử xem liệu sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc đã đủ để buộc Mỹ phải nhượng bộ hay liệu Mỹ đã suy yếu tới mức buộc phải có thỏa hiệp với Trung Quốc? Cho đến nay, chưa thấy có dấu hiệu này của sự thỏa hiệp Mỹ - Trung trong cuộc đối thoại này.

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy chỉ trong một thời gian rất ngắn quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi trông thấy do cách hành xử của Trung Quốc ngày càng cứng rắn và tự tin hơn. Trong khi đó, Mỹ có quá nhiều vấn đề cần quan tâm và vẫn cho rằng Trung Quốc "chưa đủ tầm" để cùng ngồi một chiếu ngang hàng với Mỹ.

Trần Việt Thái