- Biết đến danh tiếng của ca sĩ Bạch Yến đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp. Thấy bà bảo vừa bước sang tuổi 70 được vài ngày, tôi ngạc nhiên vô cùng.

Nhìn cái dáng đi thoăn thoắt của bà, nghe cái cách bà nói chuyện sôi nổi, trẻ trung... thật khó tưởng tượng được nữ nghệ sĩ này đã chừng ấy tuổi. Lúc ấy, tự nhiên tôi cảm thấy việc xưng hô "chị chị, em em" dường như có phần bất kính. Thế nhưng bà cười xòa, bảo chuyện nhỏ. Những người nghệ sĩ như bà lúc nào cũng muốn mình thật trẻ. Thế nên cứ "chị, em" cho thân tình, thoải mái.

Đúng là bà trẻ thật! Mang những làn điệu dân ca đến khắp nơi trên thế giới, nữ danh ca Bạch Yến đã gom góp cho mình không ít những kỷ niệm. 

Nữ danh ca Bạch Yến

Nặng tình với quan họ

Chào chị! Lần về nước này của chị có mục đích gì?

Lần này về, tôi định làm một chuyến ghé thăm Bắc Ninh để học hát quan họ. Đã chuẩn bị hết rồi, đã liên lạc với các nghệ sĩ tại địa phương rồi. Thế nhưng vì một vài lý do cá nhân mà tôi đành hoãn chuyến đi này. Tiếc lắm.

Đây là lần đầu tiên chị tới thăm mảnh đất quan họ?

Không, tôi đã cùng chồng đến đây hai lần trước đó rồi. So với những nơi mà tôi đã đặt chân tới thì mảnh đất và con người Bắc Ninh để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng.

Ấn tượng? Chị có thể chia sẻ rõ hơn được không?

Ấn tượng nhất với tôi là ở nơi đây, người ta vẫn còn giữ nguyên được lối hát quan họ truyền thống, không có nhạc đệm và mộc mạc vô cùng. Họ mộc mạc đến độ nhận nhau là "bọn quan họ" bởi trước giờ vẫn gọi nhau như vậy. Có ai đặt cho là "câu lạc bộ quan họ" thì họ bảo không quen, thấy kỳ lắm.

Tôi rất thích hình ảnh các liền anh, liền chị chỉ nhìn thấy nhau qua ánh đèn dầu leo lét và trao nhau những câu hát quan họ từ ngày này qua ngày khác... Họ làm thân với nhau bằng giọng hát và ra về mà chẳng nhớ nổi khuôn mặt. Tôi cũng cảm thấy thán phục những liền anh, liền chị dù "cảm" nhau lắm, mà vẫn phải giữ trong lòng đến trọn đời vì trót vướng duyên với quan họ. Bởi theo phong tục, các liền anh, liền chị không được yêu nhau.

Thời gian gần đây, có nhiều kiểu quan họ biến tướng. Người ta biểu diễn với loa đài, đệm nhạc lung tung, lại có cả vũ công nhảy múa phụ họa... Nói thực, tôi với chồng nghe mà muốn khóc.

Vậy chị sẽ trở lại Bắc Ninh chứ?

Chắc chắn rồi, tôi sẽ sớm trở lại.


Chị chuyển sang hát quan họ khi mà tên tuổi đang lên như diều gặp gió nơi trời Tây

Cảm động những lời hát ru

Chị đã biểu diễn khắp nơi trên thế giới, chắc hẳn có nhiều kỷ niệm?

Tất nhiên rồi, nhiều lắm. Tôi nhớ nhất lần biểu diễn ở Pháp, sau khi hát xong có một người đàn ông đã chạy đến ôm chầm lấy tôi mà thốt lên bằng tiếng Việt rằng: "Tôi bị xúc động quá. Tôi cảm thấy mình như được sống lại vậy. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ trở về”. Ông này là người gốc Việt, tuy nhiên ở Pháp đã lâu, lại lấy vợ Pháp nữa nên gần như quên hết tiếng Việt.

Lại có lần tôi hát bên Úc, đã có người đi 500km đến chỉ để được nghe tôi hát Đêm đông. Tuy nhiên khi ấy, kịch bản chương trình đã lên rồi, không thay đổi được. Tôi đành phải đợi đến khi chương trình kết thúc và hát cho mọi người nghe mà không có nhạc. Hơn 1000 khán giả đã ngồi yên lặng nghe tôi hát và sau đó thì họ nhất định bắt tôi phải hát tiếp. Họ bảo không có nhạc mới nghe được trọn vẹn giọng hát của tôi.

Thế còn dân ca thì sao, công chúng quốc tế đón nhận dân ca Việt Nam như thế nào?

Họ rất thích, đặc biệt là những câu hát ru. Lần nọ, tôi biểu diễn tại Thụy Sĩ. Đã có một cô gái gốc Nhật bày tỏ với tôi rằng dù không hiểu lời, thế nhưng cô ta vẫn thấy cảm động muốn khóc.

Theo chị thì tại sao lại như vậy?

Một phần là vì giai điệu. Nhưng tôi nghĩ, chắc tại những lời hát ru được hát từ trái tim của những người mẹ nên dễ khiến người nghe cảm nhận.


Lần này về nước, chị cũng có một show diễn nhỏ vào ngày 16/7

"Cởi áo cho nhau, các cụ… máu quá!"

Nếu không gặp chồng chị (GS Trần Quang Hải), chị có nghĩ mình sẽ hát dân ca không?

Tôi rất thích dân ca, nhưng để bảo hát thì có lẽ là không. Lúc ấy, âm nhạc phương Tây đã chiếm trọn tâm trí tôi rồi.

Vậy khi chuyển sang dân ca, chắc chị gặp nhiều khó khăn lắm?

Đúng vậy. Nhảy từ nhạc Tây Phương sang dân ca rất khó. Nếu lúc đầu, bản thân chưa học gì thì mọi thứ chỉ như tờ giấy trắng, muốn viết gì lên cũng được. Còn đã học nhạc Tây rồi, giờ quay lại rất sợ bị lai căng. Thế nên tôi luôn cố gắng làm sao để hát lên nghe đầy mùi lúa chứ không có pha mùi bơ.

Chị có nhớ bài dân ca đầu tiên mà chị học là bài nào không?
 
Bài đầu tiên tôi tập hát là Qua cầu gió bay, vì giai điệu nó giống tân nhạc, dễ học. Lúc đầu hát bài này, thấy các cụ ngày xưa... máu thế, dám cởi áo cho nhau. Sau này tôi mới được nghe giải thích rằng: cởi áo ở đây là đó là cởi áo tơi (áo mưa). Giống như bài Ca dao em và tôi có đoạn "cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng… yêu nhau rồi đừng cởi áo cho ai"... vậy.

Thế còn điệu dân ca nào làm khó chị nhất?

Đó là những khúc hát dân ca miền Trung. Những câu hát này thường có nốt ngang chen vào, rất lắt léo, không dễ để hát cho đúng điệu và ra đúng chất miền Trung.

Được biết, chị sẽ có một show diễn nhỏ trong chuyến trở về lần này. Chị sẽ hát tân nhạc hay cổ nhạc?

Đúng vậy, tôi có một đêm diễn tại We. Lần này, tôi trốn chồng hát tân nhạc! (Cười)

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!

Linh Phạm (thực hiện)