Trao đổi với VietNamNet, anh Lê Đình Hiếu - chuyên gia giáo dục và cũng là nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng đánh giá giáo viên giỏi qua thành tích của học sinh là câu hỏi không có câu trả lời đúng sai mà tùy thuộc vào hoàn cảnh.
“Tôi có thể chắc chắn rằng ban giám hiệu các trường học đều thích làm việc với giáo viên có nhiều học sinh có thành tích cao.
Ngay cả các cơ quan quản lý giáo dục cũng thế vì điển hình là thời gian qua có nhiều Sở giáo dục và đào tạo đã trao thưởng cho học sinh có điểm IELTS cao, cho giáo viên luyện thi có học sinh điểm IELTS cao... như vậy, cơ quan quản lý cũng đánh giá giáo viên qua những học sinh có thành tích cao và đương nhiên phụ huynh nào cũng thích con mình học với những giáo viên như thế.
Có lẽ thế mà từ bao năm nay, phụ huynh vẫn tìm đến những giáo viên có học sinh đỗ đại học “xịn”, luyện thi vào trường chuyên để... gửi con”, anh Hiếu nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, có một lượng đông những người mong muốn giáo viên có thành tích cao và dùng kết quả của học sinh để đánh giá giáo viên.
Điều này đã đặt ra xu hướng theo chuyện thành tích mà nhiều người cũng từng nói. “Tôi có thể khẳng định đánh giá giáo viên qua thành tích của học sinh không thể xóa bỏ vì hiện nay nó được coi là thước đo.
Nhưng chúng ta phải khách quan trả lời câu hỏi rằng thế nào là học sinh có thành tích, nhiều người nghĩ học sinh có giải quốc gia, quốc tế hay đỗ đại học 100% hay điểm IELTS là thành tích cao nhưng chưa hẳn.
Tôi biết một bạn giáo viên mới 26 tuổi ngoài đi dạy ở trường công lập, giáo viên này dạy tình nguyện cho dự án dành cho 100 trẻ câm điếc học lớp 6 đến lớp 9.
Giáo viên này không có “số má” trên các phương tiện truyền thông nhưng chuyên nhận dạy cho các em câm điếc hoàn toàn, luôn giúp các em tốt nghiệp được THCS và được đi học nghề làm bánh, nghề điện... Sau 1-2 năm chính các em câm điếc nuôi được bản thân mình.
Tốt nghiệp lớp 9 với học sinh câm điếc là dấu mốc vô cùng quan trọng. Nếu các em không tốt nghiệp THCS thì chỉ đi làm phổ thông với mức lương 3-4 triệu. Nhưng vượt qua được lớp 9 thì lương gấp đôi”, anh Lê Đình Hiếu kể.
Câu hỏi đặt ra là giáo viên 26 tuổi này có được gọi là giáo viên có thành tích cao không? Nếu theo chuẩn của xã hội thì không nhưng rõ ràng tác động mà giáo viên đó tạo ra trong xã hội thì rất lớn.
Một em học sinh giỏi cấp thành phố có thể không cần giáo viên vẫn giỏi nhưng một học sinh câm điếc không có giáo viên hướng dẫn chắc chắn không tốt nghiệp được.
“Thành tích cao đối với tôi là tạo ra tác động sâu sắc lên người học, lên gia đình người học, lên cộng đồng của người học và có thể làm thay đổi người học, cuộc đời ba mẹ người học, hàng xóm người học, những em có cùng hoàn cảnh với người học”, anh Hiếu khẳng định.
Chuyên gia này cũng chỉ ra một ví dụ nước Mỹ năm 2001 đã đưa ra môt đạo luật “không có đứa trẻ nào bị bỏ lại” với mong muốn thay đổi nền giáo dục Mỹ và đầu tư khoảng 23 tỷ USD.
Tuy nhiên, đạo luật này lại có những sai lầm nhất định trong việc quy trách nhiệm cho trường học, đặt quy chuẩn chung cho mọi thành phần, tầng lớp và sai lầm lớn nhất là đánh giá giáo viên và chất lượng trường học qua điểm số của học sinh.
Theo đó, trường học có học sinh điểm thấp bị đóng cửa nhưng một thời gian sau nhìn lại thì chất lượng giáo dục đi xuống vì trường học nháo nhào luyện thi để học sinh trúng đề, điểm cao, để trường học không bị đóng cửa, giáo viên được tăng lương. Hệ lụy là mười mấy năm nước Mỹ loay hoay và phải xóa bỏ đạo luật này.
Rõ ràng đó là câu chuyện chúng ta thấy thành tích cao đánh giá qua điểm số thì nguy hiểm nhưng đánh giá qua tác động, suy nghĩ, cơ hội đổi đời của học sinh thì hợp lý hơn.
Theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, có nhiều cách đánh giá giáo viên giỏi, theo đó có thể thông qua tiêu chí như giáo viên có quan tâm học sinh không, giáo viên có dành thời gian lắng nghe học sinh không, có chấp nhận ý kiến học sinh không, trao cơ hội cho học sinh phát triển và làm chính mình hay không... có tiếp tục truyền cảm hứng cho học sinh cũng như củng cố nền tảng cho học sinh hay không.
Giáo viên giỏi là giáo viên giúp học sinh hiểu từng vấn đề, tạo ra thách thức để các em hướng đến điều mới, tạo ra thử thách để các em vươn tới những điều lớn hơn khi bước ra khỏi lớp học.
Và chắn chắn rằng đánh giá giáo viên trọn vẹn chúng ta không thể dựa trên điểm số và thành tích.
“Dạy học là quá trình mà ở đó chúng ta chú tâm đến nhu cầu, trải nghiệm của con người, cảm xúc của các em để can thiệp giúp các em học một số điều cụ thể, để các em vượt khỏi cái chúng ta đang dạy”, chuyên gia Lê Đình Hiếu khẳng định.
Trong giáo dục có 1 mệnh đề «Muốn có học trò giỏi thì cần có giáo viên giỏi». Nhưng định nghĩa thế nào là một giáo viên giỏi thì mỗi thời sẽ có những chuẩn khác nhau làm thước đo đánh giá. Nếu như với giáo dục truyền thống, người thầy giữ vị trí trung tâm, là chân lý thì theo quan điểm giáo dục hiện đại, người thầy đóng vai trò là một mentor – người định hướng, người truyền cảm hứng. Trong thời đại 4.0, khi tất cả kiến thức đều dễ dàng tìm thấy, tiếp cận chỉ qua đôi ba dòng lệnh, thì vai trò của người thầy cũng có những thay đổi rất đáng kể. Việc đánh giá, nhìn nhận thế nào là một giáo viên giỏi cũng do đó mà thay đổi theo. Để cùng trao đổi, thảo luận và nhìn nhận lại việc đánh giá một nhà giáo trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 có thay đổi gì so với thời đại trước, Ban Giáo dục báo điện tử VietNamNet mở diễn đàn: "Thế nào là một giáo viên giỏi?". Ban đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! |