(VietNamNet)- Một người con gái Hà Nội cứng cỏi và mạnh mẽ, sinh ra và lớn lên trong hoà bình nhưng đã chọn cho mình một con đường không trải hoa hồng: 10 năm qua chị vẫn gắn bó với đề tài chiến tranh…

Tôi 
chọn điện ảnh chỉ là bản năng, chọn khi vẫn cảm thấy đó là công việc rất mơ hồ. Tôi nghĩ sẽ được làm việc với các diễn viên. Trong tưởng tượng của tôi, đó là công việc rất hào nhoáng, đi đây đi đó nhiều” -  Đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự. Ngay sau khi vào học, được tiếp xúc với phim ảnh, được đi theo làm phim thì sự đam mê ngày càng cụ thể, xác thực hơn. Có thể nói Huyền đã may mắn được ĐD Khắc Lợi chọn làm trợ lý ĐD cho bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong. Lần đầu tiên được tham gia một bộ phim hoành tráng quay ở nước ngoài, Huyền đã “mất ăn mất ngủ mấy ngày vì vừa vui vừa sợ. Vui vì được thầy tin cậy, có điều kiện thực hành những kiến thức đã học, sợ mình không làm được việc”.

Năm 2003, Huyền tốt nghiệp thủ khoa với Cõi vui (phim về đề tài đồng tính), chỉ với thời lượng 25 phút nhưng đó là tất cả số tiền 30 triệu tích cóp trong 3 năm đi làm thêm. Những góc khuất nội tâm, những tranh đấu giằng xé trong Cõi Vui đã đạt giải III trong liên hoan phim ngắn sinh viên toàn quốc 2004.  Huyền đã khóc: “ngay khi mình còn đang chập chững vào đời, còn những hoài bão viển vông và chưa chọn được con đường đi thì điện ảnh đến với mình”.

Ra trường, Huyền về hãng phim Quân đội, làm các phim ngắn Đêm vùng biên - giải B năm 2006; Để lại mùa xuân được Bằng khen giải Cánh diều vàng năm 2007. Với Huyền, chiến tranh có một duyên nợ đặc biệt: Thế hệ mình nhìn nhận về chiến tranh theo cách cảm của người trẻ tuổi… khi làm phim 13 bến nước ra đời,  tôi đã khóc cùng nhân vật.

 

  • Thu Hiền