‘Không chỉ bị phụ nữ làm phiền, tôi còn bị đàn ông quấy rối. Những cuộc điện thoại và tin nhắn quấy rầy mọi lúc, mọi nơi với mục đích xưng tên cụ thể, thẳng thắn nói muốn đóng phim, quảng cáo số đo 3 vòng nên tôi mệt mỏi lắm', đạo diễn 'Dốc sương mù' chia sẻ.

Không giỏi múa mồm để kiếm cơ hội

- Tốt nghiệp ngành báo chí, nhưng lại thành công ở lĩnh vực điện ảnh với vai trò đạo diễn, vậy anh nghĩ gì về câu “nghề chọn mình, mình chọn nghề”?

Sớm bén duyên với nghề diễn viên từ khi tốt nghiệp báo chí năm 1995, nhưng vì sau một số vai diễn đầu tay, tôi tự thấy mình không say mê với nghề diễn, thiếu độ hút, ít cái duyên khi đứng trước ống kính nên tôi rất tự ti về mình. Vì biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của bản thân nên tôi không dám trèo cao, mơ mộng hão huyền. Bởi thế ngay sau đó, tôi đã quay sang tập tành học làm phó đạo diễn với đạo diễn Võ Tấn Bình, Nguyễn Thanh Vân.

Học nhân văn, tôi có thế mạnh về vốn từ để viết kịch bản, tuy sẽ thiếu sự trải nghiệm từ cuộc sống nhưng vì biết học cuộc sống từ sách vở nên tôi cũng yêu thích công việc viết kịch bản phim. Sau kịch bản phim đầu tay Bến vô thường kiêm vị trí đạo diễn, tôi đã làm đạo diễn các phim Cô nàng nặng cân và hiện tại là phim Dốc sương mù đang phát sóng. Từ giờ đến cuối năm, tôi sẽ làm 2 bộ phim truyền hình, trong đó có kịch bản của tôi và Nguyễn Thị Ngọc Loan viết với tựa đề là Bến Mơ. Tốt nghiệp báo chí, nhưng lại làm điện ảnh, tôi nghĩ mình hợp với cả mình chọn nghề và nghề đã chọn mình. Vì nếu không được nghề chọn, dẫn dắt thì tôi đã không có cơ hội làm phim. Ngược lại, nếu không chọn nghề, tôi đã không cố gắng được từng ngày. Làm việc gì cũng thế, tôi nghĩ mình rất cần sự nổ lực, niềm say mê, như thế mới mong trụ vững được.
Đạo diễn trẻ Lê Minh
- Tập tành học nghề phó đạo diễn từ những tên tuổi đạo diễn đi trước, thế anh có dễ bị ảnh hưởng bởi phong cách làm phim của đàn anh không?

Có, tôi bị ảnh hưởng bởi phong cách làm phim cần có sự sâu lắng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, bị ảnh hưởng bởi phong cách hiện đại trong phim của anh Võ Tấn Bình. Ảnh hưởng ở đây là tôi học điều hay, sự tinh tế chứ tôi không bao giờ bắt chước cách làm phim y chang. Bắt chước là điều cấm kỵ trong nghề. Phong cách làm phim của riêng tôi là hướng tới sự lãng mạn và cuộc sống trong phim không thể thiếu sự hài hước và những tiếng cười sảng khoái.

- Thị trường phim điện ảnh đang ngày càng “ăn nên làm ra” và thực tế đã có rất nhiều đạo diễn trẻ thành công với lĩnh vực này. Riêng anh có vẻ chưa mặn mà lắm với lĩnh vực làm phim điện ảnh thì phải?

Chắc do tôi chưa có cơ hội. Thật ra, vì tôi còn là cái tên mới mẻ, nên cần cố gắng hơn ở lĩnh vực phim truyền hình. Thời nay làm gì các nhà sản xuất cũng phải “nhìn mặt gửi vàng” nên tôi cần cố gắng hơn. Mà thực tế chẳng mấy ai dám mời một đạo diễn mới toanh, chưa nổi tiếng làm phim điện ảnh đâu, trừ khi người đạo diễn trẻ đó thật sự gặp may mắn.

- Cơ hội làm nghề đến với anh có nhiều không?

Nếu có, tôi cũng phải dè dặt. Tôi vốn không quen biết nhiều, ngoại giao cũng không xuất sắc. Đặc biệt, do tôi vốn sống khép mình nên không thích và cũng không giỏi múa miệng với người khác. Tôi tin, nếu có thực lực thì cơ hội cũng sẽ đến với mình.

Đạo diễn Lê Minh cùng diễn viên Đoàn Thanh Tài, Đinh Y Nhung, Đức Tiến trong phim Dốc sương mù đang phát trên sóng VTV9

- Với anh, có hay không một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các đạo diễn phim hiện nay?

Tôi nghĩ là không vì mỗi người sẽ có một cách làm phim khác nhau. Ai cũng có phong cách cách, ý tưởng và gu sáng tạo nghệ thuật riêng.

Không “tẩy chay” chân dài

- Đâu là điều kiện cần và đủ để trở thành một đạo diễn, theo anh?

Tôi nghĩ những điều kiện cần để làm người đạo diễn là ngoài việc nắm vững kỷ thuật về hình ảnh, ánh sáng, mình còn phải hiểu biết về nhiều yếu tố khác như văn học, âm nhạc hội họa và phải luôn học hỏi như đọc sách, xem phim và phải xâm nhập thực tế. Người đạo diễn không phải làm suốt một thể loại phim vì xã hội có rất nhiều đề tài như chính luận, hài, tình cảm, hình sự, hành động. Bởi để đủ cho nghề đạo diễn thì tôi nghĩ không bao giờ đủ nên cứ phải học tìm tòi và học mãi. Riêng về kinh nghiệm làm diễn viên đã giúp tôi có thể biết thương diễn viên hơn khi làm đạo diễn. Từng làm diễn viên nên tôi hiểu được tâm lí ban đầu của các bạn trẻ. Tôi đối xử với đồng nghiệp gần gũi, không ra lệnh.

- Anh nhìn nhận thế nào về thị trường phim Việt Nam và những "món ăn" khán giả đang cần nhất là gì?

Hiện tại nhà đài đang siết rất chặt vấn đề duyệt kịch bản và duyệt phim. Nếu ngày xưa, nhà đài chỉ cần duyệt đề cương kịch bản thì nay, sau khi thành phim, họ càng kiểm tra gắt gao hơn. Nếu mình làm ẩu, chắn chắn bộ phim đó sẽ bị cắt xén, chỉnh sửa, như thế chỉ có nguy cơ “trùm mền” là cao nhất. Tôi nghĩ đó cũng là dấu hiệu của sự đào thải trong nghề.

- Người ta bảo, phim diễn viên phim Việt “thừa sắc thiếu thanh”. Anh có đồng ý?

Tôi nghĩ hầu hết diễn viên phim Việt đều hội tụ giữa thanh và sắc. Quan trọng mình phải biết xác định cái nào cần và chưa cần. Nếu đã có sắc, tôi nghĩ việc luyện thanh thì không khó. Bởi thế, nếu muốn trở thành diễn viên giỏi, chúng ta nên có sự đầu tư học hỏi và rèn luyện, vì con người sinh ra không ai có sự hoàn hảo.

- Theo anh, thế nào là một diễn viên chuyên nghiệp?

Họ chuyên nghiệp, tôi không cần họ phải được đào tạo bài bản từ trường lớp. Sự chuyên nghiệp, tôi đánh giá cao nhất về ý thức làm việc, cụ thể đó là vấn đề làm việc đúng giờ giấc. Thật ra, người ta hay phàn nàn rằng nghệ sĩ làm việc hay kéo giờ dây thun. Điều đó cũng có chứ không phải là không. Nếu làm việc với một người có ý thức kém về mặt giờ giấc, tôi nghĩ chẳng ai có tinh thần cả. Ngoài ra, sự chuyên nghiệp của một diễn viên còn thể hiện về độ nhạy với kịch bản. Khi là diễn viên chuyên nghiệp, họ sẽ hiểu đường dây tâm lí nhân vật rất nhanh mà đạo diễn không cần giải thích gì nhiều.

- Anh từng bao giờ gặp diễn viên mắc bệnh “sao” chưa?

Vì tôi không mắc bệnh “sao” nên tôi cũng may mắn chưa gặp những diễn viên mắc bệnh “sao”, (Cười).

- Có những đạo diễn tuyên bố rằng họ luôn tối kỵ việc “chân dài” xuất hiện trong phim của mình. Riêng anh có tẩy chay “chân dài”?

Ủa, sao phải tẩy chay “chân dài” nhỉ? Tôi thấy vẫn có những cô “chân dài” đóng phim với thái độ rất tốt, phong cách làm việc chuyên nghiệp và đạt nhiều thành công với trong nghề như Thanh Hằng, Đinh Ngọc Diệp, Trang Nhung, Thân Thúy Hà, Vũ Thu Phương… đó chứ.

- Làm đạo diễn nên có cơ hội tiếp xúc với nhiều các cô gái trẻ đẹp, vậy có lúc nào anh cảm thấy mình “bất an” vì các cô gái đẹp?

Tôi nghĩ mình là người may mắn hơn là bất an, (Cười). Bất an hay không, tôi nghĩ là do ý thức và cách ứng nhân xử thế của mình với họ. Nếu mình đàng hoàng, tôi tin chẳng cô gái đẹp nào là mối nguy hiểm với mình.

- Vậy còn những phiền phức liên quan tới phụ nữ thì sao?

Không những bị phụ nữ làm phiền mà tôi còn bị cả đàn ông “quấy rối” nữa (Cười). Thật ra, từ khi tôi làm phó đạo diễn, tôi đã bị quấy rầy bằng những cuộc điện thoại và tin nhắn vào mọi lúc mọi nơi, thậm chí là nửa đêm, đại loại là những tin nhắn với nội dung xưng danh tính cụ thể, sau đó thẳng thắn nói muốn đóng phim, rồi đưa ra chỉ số các vòng cụ thể, cả đàn ông cũng vậy nữa, nhiều khi tôi cũng mệt mỏi lắm.

- Vậy phụ nữ hay đàn ông làm việc với anh hiệu quả và ưng ý hơn?

Trong đoàn làm phim có nhiều tổ lắm, nên tôi nghĩ tùy theo mỗi công việc mà mình kết hợp thế nào. Ví dụ với công việc quay phim cần vác máy quay, cần leo trèo, tôi phải cần đàn ông thì mới làm tốt được. Còn thư ký, nếu là nữ tôi nghĩ tốt hơn, vì tôi cần sự tỉ mỉ và những lời nói êm tai dù lúc họ hay mình bực bội. Riêng về diễn viên, cả nam lẫn nữ nếu mình biết cách khai thác về cảm xúc, sự mạnh mẽ và tính lanh lợi thì hiệu quả đều như nhau.


Hà Nhuận Nam