Giữa New Zealand và Chile thuộc phía nam Thái Bình Dương có một đảo nhỏ tên là Henderson. Đây là một trong bốn hòn đảo tạo thành vùng lãnh thổ Pitcairn ngoài khơi của Anh.
Liên Hợp Quốc năm 1988 đã công nhận đảo Henderson là Di sản thế giới. Trên trang web của UNESCO, Henderson được mô tả là “một trong số ít đảo san hô trên thế giới có nền sinh thái không bị tác động bởi con người”.
Hòn đảo gần nhất có người ở là Pitcairn, cách Henderson 190 km. Trong khi đó, phần đất liền gần nhất cách quần đảo tới 5.000 km. Do vậy, trừ những chuyến thăm hiếm có của các nhà khoa học và lượng dân số thưa thớt ở Pitcairn, hầu như không du khách nào đặt chân tới Henderson.
Tuy nhiên, kỳ lạ thay Henderson lại được mệnh danh là hòn đảo ô nhiễm nhất thế giới. Những bãi cát nguyên sơ giống như bãi rác, rải đầy chai nhựa, mảnh nhựa vỡ từ chai lọ, mũ bảo hiểm. Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 38 triệu mảnh nhựa, nặng tới 18 tấn, nằm rải rác dọc bờ biển. 68% số rác trong đó không thể nhìn thấy bởi chúng bị vùi trong cát.
Trên bề mặt mỗi mét vuông ở Henderson có từ 20 đến 670 miếng nhựa. Nếu tính trong lớp cát dày 10 m, số lượng có thể từ 50 tới 4.500 miếng. Mỗi ngày, khoảng 3.750 miếng rác trôi dạt vào bờ biển phía bắc hòn đảo. Theo Amusing Planet, Henderson có mật độ ô nhiễm chất dẻo cao nhất so với bất kỳ đâu trên thế giới.
Nhiều người đặt ra câu hỏi lượng rác khổng lồ này đến từ đâu. Câu trả lời là đại dương. Henderson nằm ở ngoại ô của vùng hải lưu xoay chiều Southern Pacific Gyre giữa Australia và Nam Mỹ. Vòng xoáy lớn này hút toàn bộ rác từ Nam Thái Bình Dương và các lục địa xa xôi, vùi chúng vào Henderson. Bắc bán cầu cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Toàn bộ lượng nhựa ở Bắc Thái Bình Dương dạt vào bãi biển Kamilo của Hawaii.
Theo Jenifer Lavers, nhà khoa học từ Đại học Tasmania, trưởng nhóm nghiên cứu truy tìm nguồn gốc của các mảnh rác trên đảo Henderson, khẳng định chúng đến từ 24 quốc gia khác nhau ở khắp các châu lục. Một khi nhựa vào đảo, chúng bị các tia cực tím của Mặt trời làm giòn và vỡ ra thành trăm nghìn mảnh, ít nhiều trong số đó nhỏ hơn 2 mm. Những vụn nhựa bị chôn vùi trong cát, trở thành một phần vĩnh viễn của hòn đảo.
"Các mảnh rác thải nhựa có thể gây nguy hiểm cho nhiều loài sinh vật nếu nuốt phải, tạo ra một rào cản vật lý trên bãi biển đối với động vật như rùa, làm giảm tính đa dạng của động vật không xương sống ven bờ", Lavers nói.
Theo AP