"Chúng ta thu hồi đất xong, năng suất sử dụng đất đó phải vượt trội so với sử dụng theo mục đích cũ, và phải chứng minh được điều đó".

LTS: Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất; khắc phục hiệu quả tình trạng giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan… Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một số vụ việc cho thấy chuyện liên quan tới “tấc vàng” vẫn còn phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Tuần Việt Nam trò chuyện với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trưởng, "cha đẻ" của Luật đất đai, để cùng tìm căn  nguyên và giải pháp.


Hoàng Hường: Theo ông Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 đã có những thành công, tiến bộ nổi bật nào?

Ông Đặng Hùng Võ: Thành công lớn nhất của Luật đất đai mới (2013) là đưa được yếu tố công khai, minh bạch về thông tin quản lý. Trong đó chỉ có một điểm chưa có quy định cụ thể về việc công khai minh bạch, là các dự án đầu tư phát triển ở các khu vực phi nông nghiệp, song lại được quy định tại các luật có liên quan. Ví dụ: Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở quy định mọi dự án đầu tư trong khu vực này đều phải công khai từ khi đệ trình ý tưởng dự án.

Thứ hai, luật quy định cụ thể về quyền của người dân trong tham gia quản lý: quy hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư… Đồng thời, người dân có quyền tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý và sử dụng đất, thể hiện ở điều 28 và 199. Khi chính quyền không tổ chức lấy ý kiến, thì người dân có thể vận dụng điều 199 của Luật đất đai 2013 để đòi hỏi quyền tham gia giám sát và phát hiện sai phạm. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước thắc mắc của người dân. Đây là tiến bộ vượt bậc của Luật đất đai 2013.

Luật mới cũng quy định mục đích thu hồi đất chỉ căn cứ hoàn toàn vào mục đích dự án, chứ không phải chủ đầu tư. Theo Luật 2003, chủ đầu tư trong nước thuộc nhóm C (nhóm nhiều tiền) và các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất. Hiện nay hai nhóm đối tượng này bị xóa khỏi Luật 2013, còn tính chất dự án thì hai luật giống nhau. Việc bồi thường, tái định cơ thì cơ bản giữ theo Nghị định 69.

Về cơ bản, Luật đất đai 2013 có nhiều điểm tiến bộ hơn, nhưng trong công tác thực hiện, nhiều địa phương vẫn chểnh mảng. Chẳng hạn, việc điều chỉnh quy hoạch và quy trình thu hồi đất đã được quy định cụ thể trong Luật đất đai 2013 là phải được công khai từ xã trở lên. Thậm chí việc thay đổi điều chỉnh quy hoạch cũng phải được đưa ra cho người dân góp ý ngay từ cấp xã.  Nhưng có những trường hợp địa phương chưa chấp hành.

{keywords}
Ông Đặng Hùng Võ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hoàng Hường: Chúng ta đã có nhiều bài học liên quan đến chuyện chính quyền địa phương thu hồi đất của dân… Điểm chung của các vụ việc này là gì, và nhìn lại hơn một năm thực hiện Luật Đất đai sửa đổi, ông thấy, tình hình đã được cải thiện ra sao?

Ông Đặng Hùng Võ: Cốt lõi của tất cả những vụ này, và nhiều vụ khác vẫn là bài toán chia sẻ lợi ích. Trong bài toán thu hồi đất, vấn đề quan trọng là người dân được gì hôm nay, và được gì ngày mai?

Cơ chế VN vẫn mới tính tới cái được ngày nay: khi thu hồi đất thì đưa cho người dân một món tiền. Nhiều ý kiến cho rằng bồi thường bằng tiền một lần là cơ chế không nhìn thấy tương lai. Những vấn đề như việc làm, thu nhập của người dân có được khôi phục không… chưa được giải quyết trong cơ chế “một cục”.

Người dân có thể thấy mừng vì cầm được một số tiền lớn, có thể mua xe máy, sửa nhà… Đó là bài toán quá ngắn của những người nông dân. Chính quyền cũng chưa tính được cho họ ngày mai thế nào. Thực tế đã có nhiều người dân rơi vào cảnh hết tiền, mất sinh kế. Thứ hai, ngay đồng tiền người dân được cầm hôm nay, tính theo giá đất, cũng là vấn đề. Người dân chê giá đất thấp, cơ quan Nhà nước thì nói “có nhiều cố gắng”. Nhiều nơi đưa ra cách tính giá đất không thống nhất với pháp luật dẫn đến phản ứng của dân. Bài toán chia sẻ lợi ích do đó không được giải quyết.

Hoàng Hường: Qua những gì đã xảy ra, theo ông chúng ta nên nhìn lại cách thức quy hoạch nông thôn mới hiện nay như thế nào để người dân được nhiều hơn mất?

Ông Đặng Hùng Võ: Ở VN, đôi khi công tác quy hoạch phần nào vẫn bị tàn dư của tư duy bao cấp tác động: Nhà nước chỉ đạo, điều khiển chung nền kinh tế. Do đó, quy hoạch được coi là vấn đề điều hành, thu xếp của Nhà nước.

Giờ chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, những cái Được và Mất phải gắn với thị trường và gắn với đời sống người dân tại chỗ. Vì thế phải có sự thay đổi trong tư duy quy hoạch, một cách giản dị nhất sang bài toán phân tích chi phí và lợi ích theo kinh tế học.

Ở VN đã có rất nhiều ý kiến phê phán cách thức quy hoạch hiện nay. Ví dụ: quy hoạch theo nhiệm kỳ, theo tư duy chủ quan của lãnh đạo… tạo ra những quy hoạch không có tính khả thi; hoặc nếu thực hiện thì đi ngược với lợi ích của người dân tại chỗ. Và khi không đồng thuận, họ có thể phản ứng bằng cách này hay cách khác.

Các quy hoạch, trong đó có quy hoạch nông thôn mới càng phải gắn với xã hội, cộng đồng tại chỗ. Bởi vì, đó là “nông thôn mới” của bản thân xã đó, khu vực đó, chứ không phải của chung, thì quy hoạch phải mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng khu vực đó. Những gì có thể gây thiệt hại cho cộng đồng đó thì phải tính toán.

Đặc biệt, quy hoạch nông thôn phải gắn với quy hoạch nông nghiệp, phải có ý kiến của người dân, và người dân có lợi ích trong quy hoạch đó.

{keywords}
Ông Đặng Hùng Võ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hoàng Hường: Phát triển công nghiệp và đô thị là một tiến trình tất yếu trên toàn thế giới. Việc thu hồi đất là không thể tránh khỏi, vậy làm thế nào để hạn chế tối đa các xung đột về lợi ích?

Ông Đặng Hùng Võ: Vẫn là vấn đề chia sẻ lợi ích. Có thể tính theo từng dự án cụ thể: bước này vấn đề bồi thường thế nào, bước tiếp theo ra sao... để có thể hài hòa lợi ích của hai bên. Nhà đầu tư cũng không nhất thiết phải bỏ một khối lượng tiền bồi thường lớn ngay lập tức. Có nhiều cách làm để thỏa mãn vấn đề chia sẻ lợi ích hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay ta vẫn đang đi theo hướng mua bán bắt buộc quyền sử dụng đất. Nhà nước bắt buộc người dân bán, và được trả bao nhiêu tiền, khiến người dân có nhiều lý do thấy không thỏa đáng. Ví dụ chuyện kiểm đếm tài sản hay giá đất dễ làm người dân không đồng lòng với chính quyền trong quá trình phát triển.

Một trong những đặc trưng lớn nhất của VN hiện nay, nếu không vượt qua được thì ta mãi loanh quanh trong nhóm thu nhập trung bình/thấp, là năng suất và hiệu suất. Chúng ta thu hồi đất xong, năng suất sử dụng đất đó phải vượt trội so với sử dụng theo mục đích cũ, và phải chứng minh được điều đó. VN hiện nay ở nhóm nước có năng suất/hiệu suất thấp.

Hiện nay khi thu hồi đất, ta không hề tính toán năng/hiệu suất sử dụng có cao hơn cách sử dụng cũ không. Ta không thể dùng quyền lực để thu hồi chỗ này, chỗ kia; hay giao cho ông này, ông kia đầu tư để có hiệu suất sử dụng cao nhất. Ta phải đưa tiêu chí cụ thể. Hiện ta chưa làm việc đó, và vẫn luẩn quẩn trong các mối quan hệ riêng trong việc giao và sử dụng đất.

Xin cảm ơn ông!

Tuần Việt Nam 

Ảnh: Lê Anh Dũng 

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý 

Dựng phim: Bạt Tuấn