Nhận định trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 hôm qua thật đáng suy nghĩ và đầy trăn trở.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam, như ông Nguyễn Đình Cung từng nhận xét, có "8 không": "không rõ ràng", "không cụ thể", "không minh bạch", "không hợp lý", "không ổn định", "không tiên liệu trước", "không hiệu quả", "không hiệu lực". "8 không" vẫn luôn làm những nhà đầu tư lo ngại nhất.

Tuy nhiên, không chỉ có chuyện “quy định pháp luật” không đủ tốt mà cách hành xử, thực hiện luật pháp của cán bộ công chức cũng rất quan trọng. Thái độ mà thân thiện, “kiến tạo” thì giữ chân, nuôi dưỡng doanh nghiệp; thái độ hù dọa, “thương mại hóa”, vòi vĩnh, đòi bôi trơn thì đúng là "đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết chim" như đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh từng cay đắng nhận xét; chuyện đi ra nước ngoài khởi nghiệp là đương nhiên.

Cách hành xử nhũng nhiễu doanh nghiệp là muôn hình vạn trạng, trong đó thanh tra, kiểm tra chỉ là một ví dụ. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kể, trước đây có một chủ doanh nghiệp hay tham gia thảo luận chính sách. Vị doanh nhân nhiều lần phát biểu, chỉ trong 3 tháng, các cửa hàng của công ty đã bị thanh tra, kiểm tra hơn 20 lần, nhiều đến nỗi, ông phải lập ra một bộ phận riêng để chuyên tiếp thanh tra viên.

Vụ việc này từng được Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội kiểm tra. Song, cơ quan kiểm tra Hà Nội báo cáo: Qua 18 lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiêu hủy “18 kg cam” không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử trên 1,9 triệu đồng theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Cách nhà nước hành xử với những doanh nghiệp đang hoạt động đang phát đi tín hiệu rất rõ ràng tới những người đang có kế hoạch khởi nghiệp.

Mấy con số trên cho thấy một câu chuyện nực cười, mỗi lần kiểm tra phát hiện ra 1 cân cam, và phạt hơn 100 ngàn đồng. Nếu chỉ như vậy thì có cần phải thanh tra liên miên, làm doanh nghiệp thui chột đến mức vị doanh nhân phải thốt lên: “Tôi sợ lắm rồi, không dám phát biểu gì nữa”. Sau đó thì vị doanh nhân không dám đến dự hội thảo nữa.

Vụ thanh tra Con Cưng gần đây cũng để lại nhiều hệ lụy đối với doanh nghiệp và dấy lên nghi ngờ về động cơ của các cơ quan chức năng Bộ Công thương.

Chỉ từ khiếu nại của một khách hàng tại TP.HCM khi mua một bộ quần áo thun, cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan", cơ quan quản lý thị trường đã ập tời làm việc liên miên. Doanh nghiệp này kể, tổng cộng có khoảng 195 cuộc kiểm tra tại các cửa hàng, các văn phòng, các tổng kho rồi niêm phong, thu giữ tạm thời hàng trăm ngàn sản phẩm. Không những thế, việc kiểm tra còn được thực hiện tại cơ sở của tất cả nhà cung cấp hàng hoá cho doanh nghiệp một cách bất ngờ, không báo trước.

Thật kỳ lạ là có lãnh đạo vừa kiểm tra, vừa phát livestream trực tiếp lên mạng xã hội, một cách hành xử thiếu tôn trọng doanh nghiệp và ngay cả công việc của mình!

Tuy nhiên, sau khi bố ráp như vậy, các đoàn kiểm tra lại kết luận rằng, doanh nghiệp “cơ bản chấp hành đúng pháp luật”, chỉ có những sai sót về nội dung tem nhãn chưa chuẩn chỉ.

Theo Con Cưng, đợt kiểm tra đã làm giảm ngay lập tức 20% khách hàng, giảm doanh số 1-2 tỷ/ngày, kéo dài khoảng 3 tháng, trong khi tâm lý của nhân viên toàn hệ thống rất hoang mang, lo sợ.

Vụ thanh tra, kiểm tra Con Cưng vô lý và gây bất bình đến nỗi, nó được ông Trần Đức Lượng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc lại trong một hội thảo về chủ đề thanh tra doanh nghiệp gần đây như là minh chứng cho câu chuyện lạm dụng công tác thanh, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông nói: “Việc lạm dụng thanh, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung… Doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn”.

Gần đây, Bộ Công Thương đã xử lý vụ việc này qua văn bản gửi tới ông Trịnh Văn Ngọc, nguyên lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (cũ): "Bộ Công thương nghiêm khắc phê bình và yêu cầu ông rút kinh nghiệm sâu sắc với vai trò người đứng đầu trong vụ việc kiểm tra Công ty cổ phần Con Cưng, không để xảy ra sơ suất khi giải quyết công việc". Như vậy, Bộ này đã “phê bình” và yêu cầu “rút kinh nghiệm” hai nguyên lãnh đạo là cục trưởng và phó cục trưởng là ông Trần Hùng!

Làm cho doanh nghiệp điêu đứng, môi trường kinh doanh xáo động, tâm lý xã hội hoang mang mà mấy vị lãnh đạo này chỉ bị “phê bình”, “rút kinh nghiệm” thì quả được đối xử thật “nhân văn”!

Những trường hợp như Con Cưng vừa nêu không phải là cá biệt. Để hạn chế trình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, lạm dụng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 20 năm 2017 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, kết quả là đáng báo động. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong mấy năm qua vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra còn 14%, theo các báo cáo PCI mấy năm gần đây. Ông Lộc nói: "Những con số như vậy cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vướng mắc. Khoảng cách giữa các báo cáo kết quả cải cách trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn".

Cách nhà nước hành xử với những doanh nghiệp đang hoạt động đang phát đi tín hiệu rất rõ ràng tới những người đang có kế hoạch khởi nghiệp. Tín hiệu đó phải là tích cực mới thể hiện được nền hành chính “kiến tạo”, còn không, nạn chảy máu chất xám còn diễn ra. Câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa đáng để cho các cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước suy nghĩ để thay đổi cách tư duy, hành xử với doanh nghiệp.

Tư Giang