Người thân của tôi 28 tuổi có triệu chứng tiểu tiện ra máu. Trước đó, anh đi tiểu rắt và cho rằng do nóng trong nên mua thuốc uống, triệu chứng giảm dần. Cách đây 2 tuần, nước tiểu lẫn máu tươi nên anh đến bệnh viện tỉnh kiểm tra. Qua siêu âm, bác sĩ phát hiện u bàng quang và nghi ngờ có thể là ác tính. Xin bác sĩ tư vấn bệnh này có nguy hiểm không? Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh? Tôi cảm ơn! (Nguyễn Vân Hà - TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Định, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viên Ung bướu Hà Nội, tư vấn:

Ung thư bàng quang do các tế bào ác tính lấn át mất kiểm soát. Các tế bào ung thư có thể di chuyển tới các vị trí gần bàng quang, di căn xương. 

Đa số người mắc ung thư bàng quang đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh từ sớm rất quan trọng.

Các dấu hiệu của ung thư bàng quang gồm đi tiểu khó, đi tiểu nhiều lần, đau và thấy có máu trong nước tiểu. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sút cân. 

Khi đi khám, bác sĩ có thể kiểm tra trực tràng, khung chậu (với nữ giới); xét nghiệm nước tiểu tìm tế bào ung thư trong máu và một số chất chỉ điểm khối u. 

Hiện nay, các bác sĩ có thể nội soi bàng quang bằng ánh sáng xanh. Các tế bào ung thư được hấp thụ thuốc và phát sáng khi ánh sáng xanh từ ống nội soi chiếu vào. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá tổn thương ung thư. 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể làm sinh thiết, chụp X-quang, cắt lớp vi tính, hoặc cộng hưởng từ.

Để điều trị ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ dựa vào giai đoạn bệnh để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Ở giai đoạn sớm, ung thư ít lan rộng, hiệu quả điều trị càng cao. Nếu ở giai đoạn 4, ung thư trở nên nghiêm trọng hơn. 

Hiện nay, ung thư bàng quang điều trị bằng phẫu thuật, hóa chất, liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch là phương pháp gây kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công lại tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể sử dụng để điều trị ung thư bàng quang. Những thuốc này có thể đưa trực tiếp vào bàng quang (dạng lỏng) hoặc qua đường tĩnh mạch.

Để phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang, chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện 6 điều sau:

- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.

- Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.

- Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.

- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.