TP Hà Nội từng nhiều lần muốn phân loại rác tại nguồn hiệu quả, tuy nhiên thiếu nhà máy xử lý, thiếu hệ thống xe thu gom chuyên dung; công tác tuyên truyền, vận động người dân mới dừng ở sự khuyến khích và chưa có chế tài xử phạt nên liên tiếp thất bại.
“Hãy thắp lên ngọn nến trước khi phàn nàn về bóng tối”
Vậy, khi chưa làm được ở quy mô lớn thì việc phân loại rác tại mỗi gia đình có nên tiếp tục? Trong các gia đình, có nên dạy trẻ phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định ngay từ nhỏ hay lại tiếp tục thói quen trộn tất cả rác thải rồi ném đi!?
Hãy thắp lên ngộn nến trước khi phàn nàn về bóng tối - Đó là điều anh Hồ Việt Cường (cư dân tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội) thường nói với con mỗi khi các cháu có sự "phàn nàn" về người khác khi họ không tuân thủ các quy định chung, ví dụ như vứt rác bừa bãi, thiếu ý thức vệ sinh nơi công cộng…
Theo anh Cường, họ không làm không có nghĩa là chúng ta không làm. Mỗi người phải có những giá trị sống cần theo đuổi, những thói quen văn minh cần phải thực thi và những lề luật phải tuân thủ. Ví dụ chuyện đổ rác, tuy nhỏ nhoi thôi nhưng cũng phải dạy trẻ nhỏ thói quen văn minh ngay từ nhỏ.
“Tôi đôi lúc rất khắt khe với các con trong sinh hoạt và nếp sống. Tự vệ sinh cá nhân, rèn luyện tính kỉ luật và tính tự lập từ nhỏ để sau này các con trở thành những “công dân toàn cầu” thay vì ra nước ngoài du học giống tôi trước đây luôn bỡ ngỡ hoặc thấy mình thiệt thòi vì không được học những kiến thức phổ thông cơ bản nhất”, anh Cường nói.
Chỉ nói riêng chuyện đổ rác, anh Cường dạy con mình phân biệt rác vô cơ và hữu cơ, cách phân loại rác độc hại nguy hiểm (thủy tinh, kim tiêm, nước tẩy rửa, pin đã qua sử dụng...); các loại rác có thể tái chế, có thể bán ve chai (vỏ lon, vỏ chai nước), có thể tái sử dụng hoặc thậm chí có thể mang đi từ thiện (quần áo, đồ chơi, sách truyện…).
“Con tôi phàn nàn, nhiều nhà họ vứt rác lung tung, vứt cả vào nhau sao chỉ có nhà mình phải phân loại ra phiền hà thế? Tôi nhẹ nhàng nói với con, Việt Nam mình rồi cũng sẽ phải phân loại rác như các nước tiên tiến. Người khác chưa làm nhưng mình vẫn làm, làm để các con ý thức được những điều văn minh và học nó. Để sau này các con sống ở đâu cũng là người có học, có tri thức. Tôi hay động viên con như vậy”, anh Cường tâm sự.
Để phân loại rác tại nguồn không tiếp tục thất bại
Theo các chuyên gia môi trường và chính những người dân như anh Cường đều hiểu, việc phân loại rác tại Việt Nam đang triển khai theo quy trình ngược, nên bao nhiêu năm vẫn không có hiệu quả, thậm chí phải gọi là thất bại. Nhiều khi quá trình phân loại rác thải của người dân trở thành “đổ sông đổ biển” chỉ vì các công nhân vệ sinh lại “trộn chung” rác thải khi thu gom.
Thiếu nhà máy xử lý rác thải chuyên biệt, quá trình tái chế rác thải còn hạn chế; hệ thống xe thu gom, phân loại riêng từng loại rác vừa thiếu vừa không có điểm tập kết; Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác và đổ rác đúng theo quy định trong một phạm vi địa lý và thời gian nhất định chưa tốt. Chế tài xử phạt vi phạm chưa đi vào cuộc sống, ví dụ xử phạt thật nặng (bằng tiền hoặc lao động công ích như tham gia thu gom rác) đối với những hành vi không phân loại rác đầu nguồn.
Thực tế ở Việt Nam, quá trình phân loại rác hiệu quả nhất chính là đội ngũ nhặt phế liệu và đồng nát. Còn về cơ bản rác thải từ các gia đình đang được các nhân viên thu gom rác thải trộn chung, đổ lẫn hết lên xe, chở về điểm tập kết; rồi lại trút tất cả lên một xe ép rác chung, và cuối cùng là thẳng tiến ra bãi chôn lấp. Thậm chí, nhiều khu vực còn thiếu các bãi tập kết rác tập trung, đôi khi các khu chôn lấp bị người dân chặn cổng khiến cả thành phố bị ngập ngụa trong rác thải. Nói vậy để thấy, từ chuyện có chỗ chôn lấp rác thải, chỗ tập kết rác đã thiếu và mất vệ sinh thì nói chi tới chuyện phân loại với tái chế rác.
Điểm nghẹn của quy trình phân loại, thu gom, tái chế rác thải đã được chỉ ra. Điều cốt lõi bây giờ là chính sách thực thi, nguồn lực triển khai và quyết tâm chính trị đủ mạnh; nếu không việc hô hào phân loại rác như hiện nay khác nào đánh trống bỏ rùi rồi lại đi vào ngõ cụt như bao lần trước đây.