Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành; dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề xuất chọn chuyên đề 2 về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, bởi vì đây là gốc rễ của tất cả vấn đề. Đại biểu dẫn lời Bác Hồ: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

202405301025406153_z5490049718457_7ee7014738e72e0f52739f7eae9ee61c.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Quốc hội

Ông Vân cho rằng, nếu chọn chuyên đề 1 về bảo vệ môi trường mà không giải quyết rốt ráo vấn đề cán bộ, vấn đề nhân lực thì cũng không có ý nghĩa.

"Tôi đề nghị nên chọn chuyên đề này, khi đó nhân dân sẽ tán dương, ủng hộ, bởi vì nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay đang đặt ra một cách rất bức xúc", ông Vân nhấn mạnh.

Đại biểu phân tích nhân lực và nhân lực chất lượng cao có 2 nhóm đối tượng. Nhóm đối tượng lành nghề, thạo việc là biết quy trình, quy phạm để vận hành công việc cho đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, thuộc bài, "chứ ở vị trí này nhưng làm vị trí kia hoặc không làm gì thì không phải là lành nghề, thạo việc".

Nhóm thứ 2 là nhóm nhân tài, nhóm này được đại biểu Vân xếp thành 5 loại:

Nhân tài trong lãnh đạo là những người khởi xướng về chính sách, vẽ đường được cho đất nước, cho địa phương, cho ngành, đó là nhân vật chính trị.

Nhân tài trong quản lý, quản trị, nắm được quy tắc, hành vi để vận hành bộ máy và thạo việc, có sáng kiến, có đổi mới.

Nhân tài trong lĩnh vực chuyên gia, lành nghề, thạo việc và có cải tiến, có phát minh, sáng chế.

Các nhà khoa học chúng ta đang ưu tiên là khoa học, công nghệ và rất nhiều ngành chúng ta đang cần phải thu hút và huy động các nhà khoa học để thúc đẩy cho phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật cũng rất cần và phải giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng.

Đặc biệt, ông Vân cho biết từng đề nghị Quốc hội ở đầu nhiệm kỳ rằng cần tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ và trước hết là cán bộ ở cấp Trung ương và ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu như làm được việc này, sẽ chuyển biến rất căn bản cho cả hệ thống chính trị.

Cần một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị Quốc hội từ năm 2025 cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.

202405300933570432_z5489897885014_ddd2ce3182b98d857550fdc7ad747518.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Xuân cho biết, trong các phiên thảo luận của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, rất nhiều đại biểu quan tâm, kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính. Theo báo cáo đánh giá của Chính phủ và kiến nghị của nhiều cử tri, ở địa phương "vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp". 

Chính phủ và các địa phương liên tục muốn có cơ chế đặc thù, từ đặc thù cho các công trình giao thông đường bộ cho tới các chương trình mục tiêu quốc gia, hay các địa phương đều xin cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng, về tài chính, ngân sách, về quản lý đô thị, về tài nguyên môi trường, về biên chế bộ máy của chính quyền đô thị.

"Phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề, chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ, đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước", đại biểu đặt vấn đề.

Bà Xuân cho rằng thực tiễn đòi hỏi cần có một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện, triệt để trong tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng, mua sắm công và thủ tục hành chính...

Ngoài ra, số lượng thể chế cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện rất nhiều nhưng nhân lực trực tiếp làm cho công tác thể chế còn ít, điều kiện đảm bảo và chế độ đãi ngộ chưa cao, tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.