Sáng 3/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội họp phiên toàn thể, thẩm tra về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, chương trình chia thành 2 giai đoạn, với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, tổng thể các nguồn lực huy động thực hiện chương trình là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ tối thiểu 77.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030.
Vốn ngân sách địa phương dành cho chương trình khoảng 30.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 18.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng. Cùng với đó là nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng.
Về lộ trình thực hiện, Chính phủ đề nghị năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách, chuẩn bị đầu tư. Sang giai đoạn 1, chu kỳ trung hạn 2026 - 2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Còn giai đoạn 2, theo chu kỳ trung hạn 2031-2035 sẽ tiếp tục phát triển văn hóa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Về nguồn lực dự kiến 122.250 tỷ đồng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận định, nhiều nội dung thành phần chưa xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư. Do vậy, chưa rõ căn cứ xác định nguồn lực thực hiện chương trình, nhất là đối với vốn ngân sách địa phương.
Đối với vốn ngân sách địa phương, một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc ghi cụ thể nguồn vốn huy động hợp pháp (vốn xã hội hóa) thực hiện chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng là chưa đủ căn cứ, chỉ nên ghi định hướng và đề ra các giải pháp khuyến khích đầu tư.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện thông qua rà soát, điều chỉnh lại các nội dung hoạt động của chương trình để bảo đảm thực hiện đầy đủ mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Tại phiên họp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ý kiến, chương trình “rất khó và rất rộng”, nên lúc thiết kế chương trình và sau này triển khai rất thách thức.
“Về nguyên tắc phân bổ vốn phải rất cụ thể mới thực hiện được. Cứ trừu tượng thế này đến lúc phân bổ vốn không chính xác cũng rất phiền”, ông Phương nói.
Về nguồn vốn và cân đối vốn, theo ông Trần Quốc Phương, đây là nội dung rất nhiều đại biểu quan tâm và cũng khá khó. Thời gian vừa qua đã có sự điều chỉnh rất lớn, từ quy mô rất to, giảm xuống bây giờ trong giai đoạn 5 năm tới chỉ có hơn 70.000 tỷ.
“Tại thời điểm hiện nay thì khả năng cân đối vốn khó xác định. Nếu dùng vốn 2021 - 2025 thì không còn tiền. Nếu dùng vốn giai đoạn 2026 - 2030 thì hiện chưa có chủ trương gì cả nên không biết có tiền hay không, bao nhiêu hay thế nào”, ông Phương bày tỏ, đồng thời cho biết, cuối năm nay mới có thể dự kiến được tiền của giai đoạn 2026 -2030.
Đặt trong điều kiện thực tế vốn chỉ có vậy, ông Phương cho rằng, phải cân đối mục tiêu. “Không thể đưa ra mục tiêu quá lớn rồi lại than phiền là tiền có ít, bởi vì tiền không thể vô tận được và chỉ có vậy thôi”, ông Phương chia sẻ thêm.