Theo Chinhphu.vn, Bộ Nội vụ vừa có dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Tại dự thảo Báo cáo, Bộ Nội vụ đánh giá, đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử. 

Để có thể tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, việc tiếp nhận, đào tạo, duy trì và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. 

Vì thế, một yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước để có thể giữ chân và tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác.

Song trên thực tế, ngoài các chế độ, chính sách chung như với người làm CNTT, người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT. Hiện có rất ít các cơ quan, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ làm CNTT.

Để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, nguồn nhân lực có trình độ cao về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng là yêu cầu cấp bách. 

Bộ Nội vụ cho rằng, để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong khu vực công thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và “giữ chân” các đối tượng này rất cần thiết.

Với quan điểm đó, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Cơ quan này đề xuất phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Nghị định là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, viên chức, công nhân, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang phục vụ tại ngũ, thực hiện công tác chuyển đổi số và quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin được xác định theo yêu cầu vị trí việc làm.

Trên cơ sở phân tích thực tế, Bộ Nội vụ cho rằng, để giải quyết vấn đề thực tiễn về nguồn nhân lực, nhằm khuyến khích, thu hút người có trình độ, chuyên môn CNTT, dự thảo Nghị định chỉ quy định mức hỗ trợ bằng mức tiền tuyệt đối, không gắn với mức lương cơ sở hoặc mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.

Về mức hỗ trợ cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp với điều kiện ngân sách.

Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn quản lý cán bộ, công chức, viên chức và sự tương quan trong việc quy định chế độ hỗ trợ, ưu đãi, dự thảo quy định thời gian không được tính hưởng chế độ hỗ trợ, cụ thể: Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên; thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, học tập, làm việc mà không trực tiếp làm công tác chuyển đổi số và quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin liên tục từ 1 tháng trở lên.

Việc xác định người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất thời gian trình Chính phủ xem xét, thông qua đối với Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng là tháng 10/2023.

Trần Thị Ngọc Minh, Mai Vân Anh, Nguyễn Thị Diệu Bình, Trần Thị Ngọc Minh, Lê Thị Thúy