Theo đó, hàng loạt giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất như: miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp vượt khó.
Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. |
Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.
Trong dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Đây là cơ chế mà Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines được hưởng trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được thông qua.
Liên quan tới các hãng bay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi Thông tư 19/2020 cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.
Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; đồng thời, trình Thủ tướng tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho doanh nghiệp đã nhập khẩu linh kiện về sản xuất máy thở.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như: hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô mới đăng ký kinh doanh vận tải.
Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 12/2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021…
Xuân An