Cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đưa ra nhiều đề xuất nhằm chặn tình trạng xe hợp đồng trá hình ngang nhiên chạy bát nháo khắp các ngõ ngách tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Trong đó, có đề xuất xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.
Mới đây, một cán bộ của Cục cũng đề xuất ý tưởng: Tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng. Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh công bố.
Với ý tưởng xe hợp đồng trá hình phải vào bến nhận được nhiều ý kiến ủng hộ khi cho rằng nếu ý tưởng này thành hiện thực thì sẽ ngăn triệt để nạn xe dù, bến cóc. Đồng thời phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.
Sáng 1/12, trao đổi với PV VietNamNet về ý tưởng này, lãnh đạo phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN) cho biết, hiện các xe hợp đồng trá hình đang chạy sai so với quy định của pháp luật. Khi các Sở tăng cường quản lý thì những xe đó hoặc không được chạy nữa hoặc muốn tiếp tục chạy thì phải vào bến.
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách. Trong đó, tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Có khoảng 1/4 trong số này, tương đương khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định.
Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện có tình trạng xe hợp đồng lợi dụng văn phòng đón trả khách dù lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra nhưng không thể xử lý dứt điểm.
Khẳng định xe hợp đồng vào bến sẽ giảm được tình trạng xe dù bến cóc, ông Tuyển cho rằng, trường hợp xe vào bến khiến công suất bến quá tải, thành phố có thể nghiên cứu cho phép các bến tạm.
Chẳng hạn trước đây bến xe Mỹ Đình từng bị quá tải, sau đó bến đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu. Khách lẻ, không phải hợp đồng thuê xe trọn chuyến phải vào bến xe hoặc điểm dừng đón do địa phương quy định.
Ở chiều ngược lại, nói với PV, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhấn mạnh, đối tượng khách đi xe hợp đồng rất đa dạng. Ngoài khách lẻ đi xe hợp đồng trá hình, còn có lượng lớn người có nhu cầu hợp đồng thật, thuê trọn chuyến để đi đám cưới, đám hỏi, đi du lịch. Do đó, việc bắt buộc xe hợp đồng phải vào bến cần được xem xét kỹ.
Ngoài ra, ông Quyền cũng thông tin thêm, đây mới chỉ dừng lại ý kiến đề xuất của một phó phòng trong cuộc họp ngày 21/11 tại Cục Đường bộ Việt Nam.
“Đó mới là đề xuất và tôi cho rằng không khả thi. Hiện ý tưởng chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 10. Hôm qua (30/11), tôi dự cuộc họp thẩm định sửa đổi bổ sung Nghị định 10 ở Bộ Tư pháp cũng không có nội dung này. Nghĩa là đề xuất này đã không được xem xét tiếp”, ông Quyền nói.