Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang là một vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại các Thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trước xu hướng và yêu cầu về phát triển bền vững trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, việc sử dụng phương tiện sử dụng năng lượng xanh cũng đang được nhiều nước quan tâm phát triển nhằm giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh từ giao thông, giải quyết vấn đề môi trường, trong đó có Việt Nam.

"Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố" vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2035, Hà Nội sẽ sử dụng 100% xe buýt điện, năng lượng xanh.

W-47   buýt điện Hà Nội.jpg
Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 9/2024, số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.903 xe với 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 143 xe buýt điện, đạt 14,8%) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Mạng lưới xe buýt trên địa bàn Thành phố có 153 tuyến, tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn (tăng 02 xã so với năm 2021) đạt 88,4%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá, khu du lịch đạt 92%. Đã kết nối với 07 tỉnh thành lân cận.

Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn Thành phố có 10 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus vận hành; có 10 tuyến xe buýt CNG do Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến vận hành. Xe buýt điện là loại xe lần đầu được sử dụng trên địa bàn Thành phố. Sau một thời gian hoạt động, phương tiện xe buýt điện, xe buýt CNG đã được nhân dân đón nhận, ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và tin tưởng sử dụng.

Theo Đề án đưa ra, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876.

Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.

Từ năm 2026 dự kiến Thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến. Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác hiện tại của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. 

Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031-2035 là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, việc chuyển đổi theo hướng xanh hóa xe buýt sẽ giúp thu hút được nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tạo điểm nhấn cho thành phố, thu hút du khách phát triển du lịch.