Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội khiến 56 người tử vong, xây dựng vượt đến 30% số tầng trong giấy phép, không lối thoát hiểm, không an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động cho đến ngày xảy ra thảm họa. Trong khi đó, đã có sẵn hàng lang pháp lý, chế tài xử lý các vi phạm cũng như lực lượng chức năng và đội ngũ thực thi các quy định này.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu thẳng thắn rằng, đằng sau công trình vi phạm như vậy có “những thế lực chống lưng” nên “khi xử lý chính quyền không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả thế lực chống lưng đó”.
“Những thế lực chống lưng” còn phổ biến nhiều lĩnh vực khác. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, hành xử vô nguyên tắc lại được bỏ qua hoặc không xử lý kịp thời, làm nguồn cơn tái diễn các hình thức vi phạm, gây bức xúc xã hội. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, dẹp bỏ để củng cố tinh thần thượng tôn pháp luật.
Muôn hình vạn trạng các vi phạm
Nhiều công trình vi phạm xây dựng, không ngăn chặn từ đầu, kéo dài đến khi hoàn thành. Như tại Phú Quốc (Kiên Giang) có 79 căn biệt thự xây dựng trên đất công, rừng phòng hộ và cả tòa nhà đồ sộ xây dựng tăng thêm đến 473m2 thành 12 tầng thay vì theo giấy phép chỉ 6 tầng.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có đến 680 căn nhà, trong đó có 198 biệt thự và 290 nhà liên kề đã thi công và có giao dịch mua bán khi chưa được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư dự án theo quy định. Hàng loạt biệt thự trái phép trên Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Biết bao công trình đầu tư công mới làm xong đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng phải lấy ngân sách khắc phục sửa chữa. Nhà thầu nếu làm ăn gian dối, thi công ẩu biết sẽ bị xử lý nghiêm và chịu thiệt hại nhiều hơn, buộc tự bỏ chi phí ra làm lại hẳn không dám liều.
Những ai tham gia giao thông không khó phát hiện các chiếc xe tải, container chạy bạt mạng trên đường phố vào giờ cấm. Xe khách một doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ đến 6.000 lần/tháng, thậm chí có chủ doanh nghiệp nói rằng “không ai dám nhốt xe tôi”.
Xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mới đây làm 5 người chết, 4 người bị thương đã được xác định lỗi thuộc về xe khách Thành Bưởi loại 50 chỗ ngồi chạy quá tốc độ, cố vượt xe tải cùng chiều và lao thẳng vào một xe ô tô 16 chỗ chạy chiều ngược lại, dẫn đến thương vong thảm khốc.
Cơ quan chức năng xác định, trước khi gây tai nạn, tài xế xe khách Thành Bưởi là Hoàng Văn Tính đã bị giữ bằng lái 3 tháng do lỗi vi phạm tốc độ, nghĩa là không được tiếp tục hoạt động lái xe cho đến khi hết thời hạn này. Đây là điều sơ đẳng mà bất cứ một tài xế, chủ xe và chủ doanh nghiệp vận tải nào cũng phải biết.
Chỉ cán bộ một ngân hàng tại thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) khi bị kiểm tra nồng độ cồn đã không chấp hành mà còn dùng tay gạt máy đo nồng độ cồn, có lời lẽ xưng hô "mày", "tao" với lực lượng CSGT.
Hay như vụ việc trưởng Công an phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) Nguyễn Thành Nam điều khiển ô tô khi đã uống rượu, đi sai làn đường dẫn đến va chạm giao thông rồi còn chửi bới, đe doạ người dân.
Có “những thế lực chống lưng” dựa vào ô dù các quan hệ thân quen, cậy thế cậy quyền, xem thường pháp luật. Nếu không có “những thế lực chống lưng” hay không có quan hệ thân quen, cậy thế quyền lực liệu có công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại và sử dụng bình thường, chủ xe và chủ doanh nghiệp nào để tài xế chạy quá tốc độ và vi phạm có hệ thống như vậy? Hay trong một số trường hợp vi phạm pháp luật, hành xử vô nguyên tắc không bị xử lý thì nhiều người thường đặt câu hỏi liệu ai đã chống lưng cho những vụ việc đó?
Ngay trong bộ máy, cán bộ thiếu năng lực vẫn thăng tiến một cách bất thường và các quy trình dù được thực hiện cho có thủ tục theo quy định thì hẳn đều có “những thế lực chống lưng”. Không có ai tử tế, kinh doanh chân chính mà lại cố tình làm sai và vi phạm pháp luật.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, TP.HCM đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức không được can thiệp vào công việc xử lý các vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn.
“Những thế lực chống lưng” có khi là một người có chức quyền, nhóm người cùng chung lợi ích, các mối quan hệ thân quen có thể can thiệp mà bất chấp pháp luật và lẽ phải. Không dễ gọi tên cụ thể, chỉ mặt đối tượng chống lưng.
Như có kẻ “chân mình còn lấm bê bê lại cầm bó đuốt đi rê chân người”, bao che cho vi phạm pháp luật và mối quan hệ mờ ám nhưng lại phát biểu về sự nêu gương, lối sống trong sáng, chống suy thoái đạo đức.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
“Những thế lực chống lưng” thường là lạm quyền, biểu hiện sự xuống cấp về đạo đức. Bức xúc xã hội sẽ lên cao khi mà các vi phạm được bao che đã xảy ra hậu quả và mất công bằng trong đời sống. Hơn nữa, thiệt hại về nhân mạng, giảm sút trầm trọng niềm tin người dân với chính quyền.
Đáng chú ý là không ít cán bộ, người được giao quyền lực để thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng lại lợi dụng trục lợi cho cá nhân và người thân, lợi ích nhóm, xem như chuyện bình thường theo kiểu ai đã làm lãnh đạo thì cũng phải thế. Không một chút lo sợ khi lấy những đồng tiền bất chính, áy náy khi can thiệp bỏ qua cho các hành vi phạm pháp, dùng quyền lực bảo vệ khi có thành viên trong gia đình sừng sộ với cảnh sát giao thông, thậm chí ngay cả bản thân khi vi phạm còn đe dọa người dân.
Một khi có quen với cách sống, hành xử như thế thì khó trông mong vào ý thức tự giác “chỉnh đốn” bản thân để tự sửa sai thành đúng, thực hiện tốt chức trách đang đảm nhận.
Thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, hành xử sai nguyên tắc được xử lý theo quy định sau khi công luận lên tiếng phản ánh. Kiểm soát quyền lực là cơ sở ngăn chặn lạm quyền của “những thế lực chống lưng”. Kiểm soát quyền lực nhìn từ bên trong có cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm tra vẫn khó bao quát hết nhưng một khi có thêm sự giám sát từ bên ngoài là công luận và báo chí sẽ tạo sức ép lớn buộc người nắm giữ quyền lực nếu làm sai, “những thế lực chống lưng” phải sợ.
Nói cách khác, làm sao để người dân kịp thời biết được thông tin đầy đủ và có quyền lực buộc các tổ chức và cá nhân quản lý cũng như thực hiện quy định pháp luật phải có trách nhiệm giải trình. Nếu các vi phạm xảy ra, người dân có tiếng nói then chốt trong việc xử lý có tiếp tục giao quyền lực đó hay lấy lại để giao cho người khác xứng đáng hơn.
“Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” cảnh báo các đối tượng “lệch chuẩn”, hành vi tiêu cực, “những thế lực chống lưng” sẽ bị trừng trị lâu dài một khi công luận đã lên án. Công luận còn góp phần đẩy lùi suy thoái đạo đức, xây dựng đời sống xã hội, tôn vinh những giá trị chuẩn mực đúng đắn trong tổ chức thực thi pháp luật.
Phản ánh hành vi của các phần tử xấu trong bộ máy hay “những thế lực chống lưng” cần dựa vào dân, công luận và báo chí vì họ như tấm gương phản chiếu cả cái đẹp và cái xấu của xã hội. Người đứng đầu nếu tạo điều kiện cho báo chí công tâm soi rọi vào cơ quan, ngành mình sẽ giúp kịp thời phát hiện vi phạm và chỉnh đốn lại đội ngũ.
Kiểm soát quyền lực thông qua người dân, công luận, báo chí là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy cải cách phát triển, ngăn chặn “bắt tay liên kết” giữa lạm dụng quyền lực với lợi ích để trục lợi bất chính, tham nhũng và dẹp bỏ “những thế lực chống lưng” như lời phát biểu thẳng thắn của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, công chức để chấm dứt tình trạng này một cách hiệu quả.
Trần Văn Tường