Theo Sách trắng Công nghiệp Việt Nam, ngành dệt may và da giầy Việt Nam trong giai đoạn 2006-2016 có giá trị gia tăng thấp.

Giá trị gia tăng của dệt may, da giày vào năm 2016 là 9,018 tỉ USD và có tốc độ tăng trưởng 18% trong giai đoạn 2011-2016 và 13% trong giai đoạn trước đó từ 2006-2010.

Cùng với đó, tổng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 46,123 tỉ USD vào năm 2016, trong đó ngành dệt may chiếm tới 64%.

Các nguyên do chính bao gồm phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, thông qua các hợp đồng gia công có thu nhập thấp; dựa nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất bông, vải sợi, da và giả da; và thiếu vốn, công nghệ và lao động kỹ thuật cao trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 
Vào các năm 2006, 2011 và 2016, sản phẩm may mặc tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong số các tiểu ngành, với con số tăng từ 1,047 tỉ USD năm 2006 lên tới 3,844 tỉ USD trong năm 2016, chiếm 39% đến 43% giá trị gia tăng của toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng trung bình của nhóm sản phẩm này đạt 19% trong giai đoạn 2011-2016. Khủng hoảng toàn cầu có ảnh hưởng tới ngành trong các năm 2011-2013, tuy nhiên sau đó ngành đã nhanh chóng phục hồi lại.

{keywords}
Dệt may, da giày: Năng lực cạnh tranh thấp do phụ thuộc bên ngoài (ảnh: Thu Ngân)

Trong chuỗi giá trị dệt may, Việt Nam vẫn thể hiện sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu vải, thay vì sợi, do đó hạn chế liên kết dọc. Nhập khẩu vải tăng vọt từ 3,554 tỷ USD năm 2006 lên gần 12 tỷ USD năm 2016, dẫn đến thâm hụt thương mại 8,786 tỷ USD. Tương tự, ngành da giày cũng bị thâm hụt thương mại 1,079 tỷ USD trong năm 2016. 
Ngành da giày đứng thứ 2, đóng góp 3,201 tỉ USD vào giá trị gia tăng năm 2016, tăng 16% so với năm 2015 và chiếm 16% giá trị của toàn ngành. Tốc độ gia tăng của ngành này cũng tương tự như tốc độ gia tăng của ngành dệt may trong cả hai thời kỳ này.
 
Ngành da giày cũng gánh chịu những khó khăn tương tự như ngành may mặc: phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các hình thức hợp đồng gia công, nhập khẩu nguyên phụ liệu, đóng góp hạn chế từ ngành hóa chất trong nước và tập trung chủ yếu vào gia công, lắp ráp, với công đoạn khâu chiếm đến 60 và 70% cho sản phẩm da và giầy. Tự thiết kế, sản xuất, tiếp thị nhãn hàng và phân phối vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ và cần được tăng cường.
 
Các sản phẩm sợi đứng thứ 3 về giá trị gia tăng.  Tuy vậy phần đóng góp của nhóm sản phẩm này có xu hướng giảm dần, từ 20% năm 2006 xuống 12% năm 2016. Tổng giá trị gia tăng của 3 nhóm ngành còn lại là vải vóc, da thuộc, và túi xách không vượt quá 10%.

 
Giá trị gia tăng của sản phẩm túi xách và vali ghi dấu tăng trưởng cao nhất trong toàn ngành trong giai đoạn 2011-2016, đạt 21%, chủ yếu bị chi phối bởi đầu tư nước ngoài. Điều này phù hợp với nhu cầu rất mạnh mẽ trên toàn cầu và giá quốc tế ổn định cho nhóm sản phẩm này.

Vai trò của ngành dệt may và da giày trong việc quyết định chỉ số cạnh tranh công nghiệp của quốc gia là không thể bàn cãi, mặc dù có những điểm yếu như đã nêu ở trên.

Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may và da giày trong vòng một vài năm qua, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 43,342 tỉ USD vào năm 2015, tăng trưởng với tốc độ 16.9% từ năm 2010 đến 2015.

Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về dệt may và da giày với giá trị gần 370 tỉ USD Mỹ tuy nhiên trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng dường như giảm dần do có sự chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia láng giềng.

Thu Ngân