Ngày 5/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục ĐH, trong vai trò là cơ quan chủ quản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tổng Liên đoàn cũng đề nghị xác minh tính hợp pháp chức danh GS của TS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường cũng như một số vấn đề khác. Trước các câu hỏi này, phía trường đã có "phản pháo".
"Bổ nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong trường là chuyện nội bộ"
Phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định việc công nhận chức danh GS cho ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng nhà trường - đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD-ĐT thực hiện đúng quy trình và thủ tục theo quy định hiện hành.
Việc Ban tổ chức Trung ương căn cứ công nhận này để bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp cho ông Danh vào tháng 1/2013 là theo đề nghị của chính Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần xem lại quy trình đề xuất của chính mình.
"Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong trường đại học đã tự chủ là chuyện nội bộ của trường theo quyền hạn của trường tự chủ được cho bởi quyết định thí điểm của Thủ tướng, theo Nghị quyết của hội đồng trường hoặc theo qui chế, qui định nội bộ của trường" - phía đơn vị này khẳng định.
Chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ có giá trị đến 30/6
Phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng những nội dung mà Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo Hội đồng trường và Ban Giám hiệu nhà trường đa số không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Lý do, công văn 499/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo các trường thực hiện những chuẩn bị cần thiết như sửa đổi qui chế, kiện toàn Hội đồng trường... theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34) để bảo đảm thực hiện sau ngày 1/7/2019. Trong khi đó văn bản 655 của Tổng LĐLĐ Việt Nam lại chỉ đạo căn cứ theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014, nghĩa là theo quy định hiện hành.
"Chỉ đạo này không sai nhưng chỉ có giá trị đến hết 30/6/2019. Trong khi Bộ GD-ĐT thì chỉ đạo chuẩn bị nội dung mới để thực hiện sau 1/7/2019. Như vậy, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ" - phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản hồi.
Phía nhà trường cũng lập luận Luật số 34 thể hiện cao nhất ý chí lãnh đạo của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 6, trong đó quy định hiệu trưởng trường đại học do hội đồng trường thực hiện thủ tục bầu, cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ ra quyết định công nhận. Trước khi bầu hiệu trưởng, Hội đồng trường phải có quy trình bổ nhiệm và quy trình này được quy chế hóa tại Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường.
Mặt khác, theo Quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng thì trong quy trình bổ nhiệm, Đảng không quy định việc các cơ quan cấp trên áp đặt, chỉ đạo nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp mà họ làm chủ quản; Quy trình bổ nhiệm theo Quy định 105 chủ yếu thuộc cấp ủy và nội bộ cơ quan. Cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chỉ làm công tác dân vận, đàm phán theo Khoản 2, Điều 12 của quy định này là "Khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm gặp, trao đổi ý kiến hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ gặp, trao đổi ý kiến với nhân sự trước khi quyết định". Mặt khác, quy định này chỉ áp dụng cho công tác bổ nhiệm nhân sự. Nhân sự được bầu theo quy định pháp luật (thành viên, Chủ tịch Hội đồng trường) không áp dụng quy định này.
Cũng theo Khoản 3, Điều 16 Luật số 34 quy định rõ thẩm quyền quyết định nhân sự của trường đại học là: Thành viên hội đồng trường được chia thành 3 nhóm: Nhóm thành viên đương nhiên không do bất kỳ cơ quan nào chỉ định gồm có bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn và đại diện ban chấp hành đoàn trường (là người học); Nhóm thành viên trong trường được tập thể giảng viên, viên chức và người lao động bầu; Nhóm thành viên ngoài trường. Trong nhóm này, chỉ có thành viên đại diện cơ quan quản lý do cơ quan quản lý cử. Còn lại phải do tập thể người lao động, giảng viên, viên chức bầu.
"Đối với các thành viên đương nhiên, cơ quan quản lý không có quyền phê duyệt hoặc chỉ định; hoặc quy hoạch mà là sự chỉ định của pháp luật. Nếu có quy hoạch, thì quy hoạch đó thuộc đề án vị trí việc làm và đề án nhân sự mà Nhà trường đã trình cho cơ quan có thẩm quyền thông qua. Vị trí thành viên hội đồng trường là đương nhiên theo quy định pháp luật. Đối với các thành viên do tập thể giảng viên, viên chức người lao động bầu thì cơ quan quản lý càng không thể chỉ định, cử, hoặc quy hoạch vì nếu làm như vậy, quyền của tập thể giảng viên, viên chức và người lao động bị xâm phạm. Việc Tổng liên đoàn chỉ đạo nhân sự hội đồng trường và nhân sự Ban giám hiệu phải theo các quy định của Tổng liên đoàn về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn…(Công văn 655) là sự nhầm lẫn" - Phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng đưa ra lý lẽ.
Phía nhà trường cho rằng thành viên Hội đồng trường, thành viên Ban giám hiệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn nên việc buộc nhân sự của nhà trường phải theo quy định về cán bộ công đoàn các cấp là không đúng pháp luật.
Trong khi đó, theo Điều 5, Điều lệ Công đoàn thì: "Cán bộ Công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ Tổ phó Công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại Đại hội hoặc Hội nghị Công đoàn; được cấp Công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn".
Với căn cứ pháp lý này, thành viên Hội đồng trường và Ban giám hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng không là cán bộ công đoàn các cấp nên việc bầu hoặc bổ nhiệm không thể áp dụng các quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp.
Trường cũng đưa quan điểm về yêu cầu phải áp dụng quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn cho việc bầu, bổ nhiệm thành viên Hội đồng trường và Ban giám hiệu.
"Quyết Định 1455/QĐ-TLĐ của Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 25/10/2010 quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn có quy định như sau (Điểm c, Khoản 2, Điều 2): "Các đối tượng dưới đây áp dụng quy chế, quy định riêng của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn LĐVN. Việc nào mà quy chế, quy định riêng không quy định cụ thể thì việc đó áp dụng theo Quy chế này: Các chức danh lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện theo Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, điều lệ hoặc quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường, trung tâm, các quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, Tổng liên đoàn đã có quy định rõ rằng quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn không áp dụng đối với các trường đại học.
Các trường này áp dụng theo pháp luật chuyên ngành (Luật số 34). Không thể áp dụng quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong Tổ chức Công đoàn đối với thành viên hội đồng trường và Ban giám hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng vì các đối tượng này không là công chức mà là viên chức theo pháp luật viên chức.
Tất cả các quy định của Tổng liên đoàn về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức của tổ chức công đoàn mà không áp dụng cho viên chức" - phía nhà trường lập luận.
Quy định của Tổng liên đoàn không thể áp dụng cho nhà trường
Trước câu hỏi "Các quy định của Đảng về công tác cán bộ có là căn cứ để quy định các nội dung, quy trình về cán bộ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường hay không?", Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam không áp dụng cho nhà trường.
Cụ thể, theo trường này, Thông báo số 453/TB-VPCP ngày 10/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về áp dụng chế độ công chức đối với Ban giám hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng có nêu rõ (mục 2): Việc xác định công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập phải dựa trên nguyên tắc là đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì không còn công chức. Bất kỳ nhân sự nào của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều không hưởng lương từ ngân sách ngay từ khi nhà trường được thành lập (năm 1997 đến nay) nên nhà trường không có công chức. Do vậy Quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam không áp dụng cho nhà trường được.
Chủ sở hữu chỉ có vai trò hạn chế trọng Hội đồng trường
Với câu hỏi mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra cho Bộ GD-ĐT: "Vậy khái niệm "quyền đại diện của chủ sở hữu" nên được hiểu thế nào?", theo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW thì Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, bao gồm đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan (đại diện cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo Nhà trường...). Như vậy, chủ sở hữu chỉ là một thành phần của Hội đồng trường và việc chiếm tỷ lệ thấp là do Luật số 34 quy định.
"Nghị quyết 19/NQ-TW cũng chỉ đạo tiến tới bỏ cơ chế chủ quản. Đơn vị sự nghiệp công lập, trường đại học đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên như Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, thuê hiệu trưởng. Chủ sở hữu chỉ có một vai trò hạn chế trong Hội đồng trường" - phía nhà trường khẳng định.
Không thể định nghĩa cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền
Phía Trường ĐH Đức Thắng cũng cho rằng Theo Nghị quyết 19-NQ/TW, cơ quan quản lý có thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công lập tự chủ nói riêng, là chính quyền địa phương. Nhưng cần lưu ý rằng tại Luật Giáo dục Đại học 2012, Điều lệ trường đại học 2014 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đều có nói đến "cơ quan chủ quản". Nhưng đến Luật số 34 (2018) thì tên gọi cơ quan chủ quản không còn nữa.
Vì vậy, đối với câu hỏi "Đối với trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ quan quản lý có thẩm quyền có phải là Tổng LĐLĐ Việt Nam không?", theo nhà trường thì "Không thể định nghĩa cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền vì nếu vậy, thì cứ duy trì tên gọi cơ quan chủ quản thì việc gì phải dùng từ: cơ quan quản lý có thẩm quyền?".
Trường này cũng đưa quan điểm dụng ý của Luật số 34 là tách bạch quyền sở hữu và quyền quản lý (theo chỉ đạo của Nghị quyết TW 6). Cơ quan chủ quản chỉ còn quyền sở hữu, quyền quản lý thuộc về hội đồng trường và chính quyền địa phương. Điều này phù hợp với việc chuyển trường đại học tự chủ sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Lê Huyền
Thực hư hàng nghìn tỷ đồng Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng
- Số tiền mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai… trị giá bao nhiêu?