Dữ liệu lớn là nền tảng để dự báo thị trường 

Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn là thế mạnh nhưng các công đoạn trong chuỗi sản xuất vẫn bị tách rời, tác nhân tham gia trong chuỗi vẫn còn mù mờ về diện tích, sản lượng, thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Thế nên, tình trạng mất cân đối cung cầu thường xuyên xảy ra.

Trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, dữ liệu lớn được xem là “chìa khoá” để minh bạch các công đoạn trong chuỗi sản xuất từ đầu vào đến giá cả thị trường. Dữ liệu càng chia sẻ thì càng có giá trị.

Nhận thức rõ được vấn đề này, nhiều địa phương bắt đầu bước vào quá trình tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp số, hướng tới chia sẻ dữ liệu chung trên nền tảng số quốc gia.

Đơn cử, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre đẩy mạnh số hóa dữ liệu tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. 

nong nghiep so.jpg
Xây dựng được cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, dự báo thông tin thị trường nông sản cũng sẽ chính xác hơn 

Theo đó, người nông dân có thể tiếp cận với nguồn thông tin về dự báo, môi trường, thị trường nông sản. Đồng thời, tiêu thụ nông sản được giá hơn bằng việc đẩy mạnh hoạt động bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử. 

Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dùng chung ngành nông nghiệp được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập và các phần mềm ứng dụng dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có. Cùng với đó, hoàn thành cơ sở dữ liệu số nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, quy hoạch, thống kê, báo cáo, phân tích số liệu…

Mục tiêu, đến năm 2025 sẽ có trên 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái nông nghiệp số; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong các đơn vị thuộc ngành.

Định kỳ cập nhật các bảng giá nông sản, vật tư và thông tin các nhà cung cấp phục vụ hoạt động sản xuất; tích hợp quản lý sản phẩm sơ chế, chế biến đồng bộ trong quá trình quản lý nguồn đầu vào, đầu ra, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (Bộ NN-PTNT), đến tháng 9 năm nay, Ban đã phối hợp với một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre… để triển khai xây dựng hệ sinh thái thu thập và quản lý dữ liệu sản xuất nông nghiệp cho tỉnh, hướng tới mở rộng cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.

Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp mã số vùng trồng, giống cây trồng được lưu hành, giống cây trồng được bảo hộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Khi hoàn thiện, kho dữ liệu lớn sẽ được kết nối với nhau tạo thành hệ sinh thái để minh bạch mọi quá trình sản xuất, từ đó làm cơ sở để dự báo thị trường giá cả nông sản, giúp người dân ổn định sản xuất, cân bằng cung cầu.

Nông dân và doanh nghiệp được cấp quyền truy cập

Để xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp số, ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết, trong năm 2023 ngành chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về kỹ năng số, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chính quyền số; xây dựng và ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân.

Theo ông Đoản, mỗi người dân cần được định hướng đào tạo ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, cung cấp, phân cấp, dự báo giá, thời vụ... nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. 

Ông cũng nhấn mạnh về hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp, thông tin về môi trường, thời tiết…

Ngoài ra, hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp còn là về quản lý việc đăng ký, thông tin của các hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, chế biến và phân phối các sản phẩm nông nghiệp; thu thập, quản lý và khai thác thông tin nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản; quản lý an toàn chất lượng sản phẩm nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Cùng với những vấn đề trên, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong hệ sinh thái sẽ thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, vùng trồng của từng loại cây để dự báo và phát triển thị trường. 

Trước mắt, ưu tiên cấp và quản lý mã số vùng trồng các loại cây sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chanh leo… cung cấp thị trường xuất khẩu và thị trường cao cấp trong nước; xây dựng cổng thông tin nông nghiệp liên kết nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn.

Các ngành chăn nuôi, thuỷ sản… của tỉnh cũng thiết lập hệ sinh thái dữ liệu. Khi hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ cung cấp thông tin nhanh nhất về tình hình sản xuất theo thời điểm và truyền tải kịp thời các cơ chế chính sách mới tới người dân và doanh nghiệp. 

Trong hệ sinh thái, nông dân và doanh nghiệp được cấp quyền truy cập thông tin về diện tích, năng suất, sản lượng, vùng trồng, diễn biến và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, giá cả và dự báo thị trường vật tư, thị trường nông sản…

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV