Kế hoạch nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để phấn đấu thực hiện đạt được mục tiêu hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện khó khăn về phòng, chống dịch để cơ bản tiêu thụ hết nông sản của tỉnh Bình Thuận đảm bảo vẫn giữ được thương hiệu, giữ được giá cả ổn định góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.

{keywords}

Ảnh minh họa. Khánh Hòa

Các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Thuận năm 2021.

Trong đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng kinh tế số và thương mại điện tử trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Để hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 đến hết năm 2021 theo kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng. Điều này nhằm hỗ trợ theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
 
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GolobalGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi.
 
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cơ cấu cây trồng rải vụ đối với một số cây trồng thu hoạch theo mùa, bị ảnh hưởng thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tiếp tục rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn phục vụ cho xuất khẩu, tiêu thụ và chế biến.
 
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thiết lập mạng lưới mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố có ít nhất từ 1 - 2 cơ sở hỗ trợ thu mua sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu… Đồng thời, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các nhà lạnh, kho lạnh, container lạnh để bảo quản, kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ nông sản.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu phát triển các điểm trưng bày, bán nông sản tươi và các sản phẩm nông sản chế biến; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có nguồn gốc từ nông sản, sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh. 
Các sở, ngành chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; hỗ trợ tỉnh Bình Thuận tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới.
 
Dự kiến tháng 8/2021, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan năm 2021. Thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long của tỉnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ ra bên ngoài trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Văn Lợi