Thời gian qua, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Thế Ngân (Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh những kết quả, thành công của các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được ban hành, triển khai kịp thời nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong quá trình điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2023 vừa qua như sau:

Áp lực lạm phát tiếp tục gây thách thức đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô bởi một số nguyên nhân chủ yếu:

(i) Mặc dù CPI bình quân năm 2022 chỉ tăng khoảng 3,15% so với năm 2021, nhưng CPI lũy kế tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm 2021 ở mức cao (ước trên 4%), làm CPI những tháng đầu năm 2023 sẽ ở mức cao, gây áp lực lên công tác điều hành giá và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

(ii) Lạm phát thế giới vẫn ở mức cao; căng thẳng nguồn cung xăng dầu khi các nước áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga; giá hàng hóa thiết yếu, lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…, gây sức ép đối với mặt bằng giá cả trong nước.

(iii) Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến tăng cao, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia; các dự án, công trình thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng là yếu tố làm tăng nhu cầu, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu... Kinh nghiệm các quốc gia hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời, thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế.

W-minhhoa.png

Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới khó có thể thực hiện, do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành. Dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đạt mức 5%-5,25% trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Lãi suất huy động vốn tăng, nên các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong giảm lãi suất cho vay.

Áp lực đối với chính sách tài khóa trong việc huy động đủ vốn, để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển trong bối cảnh đẩy mạnh giải ngân số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời hạn của Chương trình (chuyển từ năm 2022 sang năm 2023).

Thu NSNN chưa ổn định, bền vững: Thu NSNN năm 2022 tăng và vượt dự toán Quốc hội giao, tuy nhiên tăng thu chủ yếu là từ tiền sử dụng đất, thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu; dự toán NSNN 2022 được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, GDP quý III/2021 giảm 6,17%, do đó, dự toán thu được xây dựng trên cơ sở thận trọng và thấp hơn số thực hiện năm 2021.

Quy mô thị trường vốn (thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp) chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Năm 2022, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do niềm tin thị trường thấp, sụt giảm. Những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thị trường bất động sản trong năm 2022 càng khiến áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần nguồn vốn để phục hồi và phát triển.

Mặc dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết liệt, chủ động, tích cực, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2023 sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển và phục hồi tích cực, bền vững.

PV