Nỗi lo tiền mặt

Bán được mớ rau 15 nghìn, bà Nguyễn Thị Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) loay hoay tìm tiền lẻ để trả lại khách hàng. Trong giỏ tiền của bà lộn xộn đủ loại tiền giấy, tiền polymer đã cũ. Ngày nào cũng như ngày nào, bà Hải phải chuẩn bị trước một lượng lớn tiền mặt để trả lại, mặc dù bán rau mỗi ngày bà lãi chưa tới 500 nghìn đồng.

Theo bà Hải, nhiều người mua mớ rau chỉ 10.000 đồng nhưng lại đưa tờ 100.000 đồng, thậm chí là 500 nghìn đồng. Với những tình huống như vậy, nếu không đủ tiền trả lại, bà đành cho người mua nợ.

Mấy ngày nay, nghe thông tin dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người về nguy cơ lây nhiễm virus corona từ tiền mặt, khuyên nên chuyển sang các dạng thức thanh toán phi tiền mặt nếu có thể.

{keywords}
Giao dịch mua bán vẫn chủ yếu là tiền mặt

Mặc dù biết nguy hiểm nhưng bà Hải không có cách nào để hạn chế tiền mặt. Những người kinh doanh nhỏ lẻ như bà Hải từ trước tới nay không biết tới ngân hàng hay ví điện tử là gì. Bà chỉ biết rửa tay thường xuyên để phòng tránh, còn việc sử dụng không tiền mặt là điều không thể.

Tương tự như bà Hải, Nguyễn Anh Tú (một shipper chuyên nghiệp tại Hà Nội) cũng thường xuyên phải tiếp xúc với tiền mặt để trả lại cho khách. Trung bình mỗi ngày, Tú giao hơn 100 đơn hàng tại quận Hoàng Mai, với tổng số tiền có ngày lên tới hàng chục triệu đồng.

Theo Tú, phần lớn đơn hàng là giao rồi thu tiền, số lượng khách thanh toán trước qua thẻ thường rất ít. Chính vì thế, vừa thu tiền và trả lại cho khách khiến Tú mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp không đủ tiền để trả lại, Tú và khách hàng phải đi khắp nơi để đổi.

Tú cho hay, mỗi lo lớn nhất là việc giữ tiền trong người để về nộp lại cho bưu cục. Số tiền khá lớn với Tú nếu không may bị mất hoặc không cẩn thận rất dễ phải bù thêm tiền cá nhân vì thu thiếu. Chưa kể, Tú cũng lo lắng nếu tiền mặt có thể chứa virus gây bệnh. Biết là vậy, nhưng Tú vẫn phải đối mặt bởi không có kênh thu tiền nào phù hợp hơn.

“Mình mong rằng có cách nào thu tiền nhanh gọn hơn vì không phải ai cũng có thẻ ngân hàng để quẹt. Mấy bà nội trợ, osin tài khoản ngân hàng còn không có, lấy gì thẻ”, Tú cho hay.

Có một thực tế ở Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên dần chuyển sang các phương thức thanh toán số, thương mại điện tử thay cho việc trao đổi trực tiếp với nhau bằng tiền mặt. Và Mobile Money là 1 lời giải cho những người buôn bán nhỏ như các bà bán rau, chị hàng cá...

Giải pháp nào thay thế tiền mặt?

Một giải pháp được nhắc tới đó là Mobile Money. Tại hội thảo về tiền điện tử trên thuê bao di động tổ chức mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bản chất của Mobile Money là một dạng ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng và đối tượng được phép triển khai Mobile Money là các công ty viễn thông đã được cơ quan này cấp phép trung gian.

Việt Nam có nhiều lợi thế để áp dụng mô hình Mobile Money khi số người sử dụng điện thoại di động năm 2018 là hơn 70 triệu/hơn 96 triệu dân.

{keywords}
Thanh toán qua điện thoại dự báo sẽ gia tăng

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây sẽ là giải pháp để người nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội. Dịch vụ này cho phép những người không có tài khoản ngân hàng gửi, rút, chuyển tiền bằng điện thoại của mình và thanh toán các hóa đơn, mua hàng hóa tại cửa hàng.

Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiện nghị, trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quý I/2020.

Theo đó, nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông, thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.

Nếu Mobile Money sớm được thí điểm triển khai trong thời gian tới, các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào cuộc canh tranh thanh toán với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử trên thị trường thanh toán điện tử.

Đại diện VNPT cho biết, đề án Mobile Money đã được Tập đoàn trình Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN, với mong muốn được phê duyệt sớm để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất. Hiện VNPT có hơn 100.000 điểm bán trên toàn quốc có thể cung cấp ngay dịch vụ này.

Phía Viettel cũng cho hay, đơn vị này đã sẵn sàng thí điểm Mobile Money. Viettel có thế mạnh mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, với 60 triệu thuê bao di động trong nước, hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường.

Tại chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHNN trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Mobile Money.

Trước đó, Chính phủ đã thúc giục việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới, trong khi chưa có quy định của pháp luật, để kịp thời bảo đảm công tác quản lý.

Mobile Money (tiền điện tử trên thuê bao di động) ra đời năm 2001, Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà khai thác di động (GSMA), hiện có 90 quốc gia đã và đang triển khai dịch vụ này, với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký. Ngành công nghiệp Mobile Money hiện giao dịch trung bình 1 tỷ USD/ngày.

Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số nhận tiền mặt, một hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện, cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa. Mobile Money giúp người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn. Nông dân cũng nhờ đó mà bán được giá cao.

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia trưởng về tài chính của Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, đánh giá cao triển vọng của Mobile Money tại Việt Nam khi mô hình này có thể đưa các sản phẩm và dịch vụ tài chính về nông thôn nhờ khả năng phủ sóng của các nhà mạng, chứ không bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng thanh toán thường hiện diện tại các tỉnh thành lớn của các ngân hàng.

Mobile Money cũng làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ.

Bảo Anh