Họ là những chiến binh đẹp trai, dũng cảm, yêu nước, nói được nhiều thứ tiếng và lẩn tránh khéo léo, nhưng lại thủy chung với gia đình và những người đàn bà của họ.

Đó là những điệp viên của Bình Nhưỡng - những người hùng mới trên màn ảnh Hàn Quốc. Hàn Quốc gần đây có xu hướng khắc họa nhân vật điệp viên Bình Nhưỡng như những người hùng hành động đầy mâu thuẫn nội tâm, hiện thân của một bán đảo Triều Tiên chia rẽ.

{keywords}

Cảnh trong phim "Secretly, Greatly".

Những bộ phim như thế, không thể tưởng tượng được cách đây vài thập niên, nay được chào đón bởi những khán giả trẻ Hàn Quốc - vốn không có ký ức khủng khiếp về cuộc chiến Triều Tiên và so với các thế hệ trước, họ giữ thái độ ít thù địch hơn đối với Bình Nhưỡng.

Cả hai nước về chính thức vẫn giữ tình trạng chiến tranh sau khi cuộc xung đột trên bán đảo kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn cách nay 6 thập niên. Tình trạng căng thẳng dọc biên giới được canh phòng cao độ thỉnh thoảng vẫn làm nổ ra những vụ đụng độ chết người, trong khi hai bên đều cử điệp viên thâm nhập đối thủ để làm các nhiệm vụ ám sát hoặc thu thập tin tình báo.

Với các nhà làm phim Hàn Quốc, Triều Tiên là một "cảm hứng hoàn hảo" cho phép họ pha trộn thể loại kỳ tình, giữa một bên là hiện thực bên trong đất nước láng giềng và một bên là mối đe dọa thường trực đưa Seoul "chìm trong biển lửa". "Triều Tiên là quốc gia bí ẩn và ít ai hiểu nội tình, một khoảng trống phong phú như thế cho phép người ta sử dụng trí tưởng tượng để đẩy cao hiện thực có thật", nhà phê bình phim Kim Sun-Yub nói.

Theo đạo diễn Jang Cheol-Soo, cái chết của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il đã gợi thêm nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim. Bộ phim hành động bi hài "Secretly, Greatly" (tạm dịch: "Đầy bí ẩn, đầy cao thượng") do Jang đạo diễn đã thu hút 6,9 triệu lượt người xem, là bộ phim ăn khách thứ ba từ đầu năm đến nay tại Hàn Quốc. "Chẳng có kiểu nhân vật nào nói lên được tính bất an và dễ thay đổi của thời đại này như những điệp viên Triều Tiên", Jang nói với hãng tin AFP.

"Secretly, Greatly" kể câu chuyện về một điệp viên xuất sắc được gửi tới sống tại một khu ổ chuột của Seoul với nhiệm vụ ám sát nhiều nhân vật then chốt. Sát thủ trẻ được bộ phim nhìn dưới góc cạnh gã nhà quê trà trộn với hàng xóm mà không gây nghi ngờ, nhưng anh ta sớm bị chinh phục bởi những người hàng xóm tốt bụng và ân cần trước khi những bi kịch tình cờ hé lộ thân phận.

{keywords}

"The Berlin File", phim ăn khách thứ nhì tại Hàn Quốc từ đầu năm tới nay.

Bộ phim ăn khách thứ hai ở Hàn Quốc năm nay với 7,1 triệu lượt người xem cũng là câu chuyện khác về điệp viên với nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia. "The Berlin File" (Hồ sơ Berlin). Phim kể chuyện một điệp viên Triều Tiên cố gắng đào tẩu vào Hàn Quốc cùng vợ là một phiên dịch viên tòa đại sứ. Cả hai phim đều hư cấu nhằm khắc họa những sự kiện có thật như cuộc đụng độ trên biển giữa hai nước vào năm 2002, hay sự gia tăng quyền lực của tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.

Thực tế, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang khuyến khích người dân báo cáo tình nghi điệp viên bằng phần thưởng hậu hĩnh, cũng như trong quá khứ họ từng dạy trẻ em cách nhận ra điệp viên thông qua hành vi và giọng nói.

Tính từ năm 2010, điện ảnh Hàn Quốc đã phát hành 5 phim lớn về điệp viên và hơn 3 phim đang sản xuất, trong đó có "Red Family" của đạo diễn Kim Ki-Duk (phim "Pieta"). Sự phổ biến của những phim điệp viên đánh dấu một thay đổi lớn trong điện ảnh Hàn Quốc, nếu người biết rằng việc mô tả tích cực những nhân vật Triều Tiên trên phim ảnh đã từng là hành động chống lại hệ thống kiểm duyệt khét tiếng ngày xưa của Hàn Quốc. Năm 1965, đạo diễn huyền thoại Lee Man-Hee từng bị bắt vì mô tả những người lính Triều Tiên như là những người "nhân từ và khoan dung"...

Minh Khôi (theo báo nước ngoài)