- Nhận định của một số nhà khoa học nghiên cứu về dạy học Lịch sử cho rằng, môn học lịch sử càng ngày càng ít được chú trọng, học sinh cảm thấy môn học không có tác dụng với các em học sinh.
Những tiết học Lịch sử tẻ ngắt, không tạo được cảm hứng cho học sinh – là tình trạng dạy và học môn học này ở Việt Nam.
Trí tuệ con người chỉ tích cực hoạt động khi nó đứng trước những thách thức phải tìm kiếm, giải thích, phân tích, so sánh và suy ngẫm để rút ra một kết luận nào đó và người ta cảm thấy thích thú khi tự mình phát hiện hay được tạo ra một cái gì đó mới mẻ.
Học sinh sẽ chìm đắm trong suy tư để viết ra một đoạn văn hay một vở kịch hay vẽ một bức tranh về một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử hay thực hiện một nghiên cứu lịch sử.
Dạy lịch sử thế nào để học sinh hứng thú?
Lịch sử có mối quan hệ với nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, công nghệ, tôn giáo, ngôn ngữ và toán học... Khi khám phá lịch sử cần đến các kiến thức toán học để hiểu các con số và sự kiện, dùng kiến thức về nghệ thuật để hiểu các công trình kiến trúc, cách thức xây dựng, nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng nó.
Sử dụng công nghệ đặc biệt quan trọng để khám phá các vấn đề lịch sử. Ví dụ, các giáo viên sử dụng 3D để giải thích các cấu trúc toán học của các kim tự tháp, chúng đã được xây dựng ra sao...
Khi học sinh chơi đóng vai các nhân vật lịch sử hay diễn lại một sự kiện lịch sử các em cần âm nhạc và nghệ thuật, sáng tạo cách nói, cách hành động, cách ăn mặc, các đồ dùng của người xưa của nhân vật sao cho lột tả được tính cách nhân vật hay mô tả được bản chất của sự kiện lịch sử...
Khi các em vẽ lại các sự kiện lịch sử hay mô tả chúng trong một tác phẩm nghệ thuật các em cần đến kiến thức về hội họa. Đồng thời những hoạt động này cũng làm cho học sinh tiếp thu tốt hơn không chỉ kiến thức lịch sử mà kiến thức của các môn học khác, củng cố, phát triển các kĩ năng và phát triển các tố chất, các năng lực sáng tạo.
Bởi thế mà nhiều phương pháp dạy học môn lịch sử được nghiên cứu và cải tiến để làm cho việc dạy học lịch sử trở nên thú vị hơn.
Ví dụ, tại bang Ohio của Mĩ, hàng năm bang này đều cho học sinh thực hiện các dự án lịch sử và các em trình bày kết quả trong ngày hội lịch sử.
Trong dự án “Ngày Ai Cập” một số học sinh của bang đã tưởng tượng xem người xưa sử dụng gàu để lấy nước từ sông Nin tưới cho vụ mùa ra sao; một số em khác thì viết về ảnh hưởng của sông Nin đối với vụ mùa và đời sống của những người nông dân thời bấy giờ ở Ai Cập, hay một nhóm khác thì sáng tạo câu chuyện lịch sử về các kim tự tháp; một nhóm khác cố gắng dùng kiến thức khoa học để giải thích cách ướp xác...
Các em có thể chơi nhiều trò chơi với các sự kiện hay nhân vật lịch sử...các em có thể mở những bữa tiệc để trình bày các món ăn, thức uống của người xưa...Các trò chơi, các vở kịch, các điệu nhảy...giúp học sinh thể hiện năng lực của bản thân và tương tác với nhau và làm cho các em vô cùng thích thú.
Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK
Chương trình giáo dục mới của Việt Nam khẳng định rằng, phát triển năng lực sáng tạo của học sinh có thể thực hiện được trong tất cả các môn học và các hoạt động và đó là 1 trong những năng lực cơ bản của HS Việt Nam trong thế kỉ 21.
Môn Lịch sử là môn học tạo nhiều cơ hội cho học sinh khám phá, tưởng tượng và sáng tạo. Ngoài việc sử dụng các phương pháp dạy học đa dạng như đã đề cập, thì xây dựng chương trình và SGK như thế nào để tránh việc học sinh phải ghi nhớ sự kiện một cách riêng lẻ, nhàm chán mà thay vào đó giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo là điều hết sức quan trọng.
Dạy học theo chủ đề là cách thức mà các nước đang tiến hành để giúp học sinh tích hợp kiến thức và kĩ năng các môn học, tạo điều kiện cho các em đào sâu kiến thức và sáng tạo.
Hiện nay, SGK Lịch sử của Việt Nam hầu như đang được trình bày theo các sự kiện và con số, việc giảm tải cơ học đã làm mất đi những tư tưởng lớn của các dòng lịch sử.
Ví dụ, bài 36 “Phong trào công nhân” Lịch sử lớp 10 chủ yếu mô tả các phong trào công nhân mà bỏ qua ý tưởng lớn “điều kiện sống và làm việc” quyết định động cơ, thái độ làm việc của người lao động.
Học sinh cần được tìm hiểu điều kiện cần để người lao động có thể sống và làm việc để từ đó các em lí giải được các nguyên nhân dẫn đến các phong trào đấu tranh của người lao động trong quá khứ cũng như hiện tại và nếu sau này các em là nhà lãnh đạo thì nên làm gì để người lao động làm việc tốt, nếu là người lao động thì cần biết phải đấu tranh như thế nào để đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho bản thân.
Nhìn lại toàn bộ lịch sử loài người và mục tiêu dạy học lịch sử hiện nay có thể cấu trúc lại chương trình lịch sử theo một số chủ đề lớn như các chủ đề về: (i) Nhân vật lịch sử và các thể chế chính trị-xã hội; (ii) Tác giả và văn học-nghệ thuật qua các thời kì; (iii) Nhà phát minh, toán học và khoa học kĩ thuật; (iv) Những ý tưởng lịch sử và vấn đề nghiên cứu lịch sử; và đi sâu vào chủ đề về (v) Lịch sử Việt Nam.
Cách cấu trúc này giúp học sinh vừa có cái nhìn tổng thể về các dòng lịch sử qua thời gian, so sánh lịch sử các nước qua các thời kì, thấy được sự tiến triển của các chế độ xã hội, các phát minh khoa học, các xu hướng nghệ thuật, văn học…gắn với nhiều lĩnh vực môn học khác nhau và điều này giúp học sinh có hiểu biết sâu, có tầm nhìn để sáng tạo.
***
Khi đã có hiểu biết và nền tảng chung về lịch sử, học sinh sẽ đối chiếu, xem xét và đi sâu vào lịch sử Việt Nam. Các em sẽ thấy vị thế của Việt Nam trên thế giới trong lịch sử và hiện tại để các em có ý thức tự hào về dân tộc và có ý thức bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngang bằng với các nước khác.
Cấu trúc SGK theo chủ đề và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo chăc chắn sẽ đem đến niềm vui, hứng thú và sự sáng tạo cho học sinh khi học môn Lịch sử.
- Trần Thị Bích Liễu
XEM THÊM: