Theo Telegraph, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Nga không thực sự khiến nền kinh tế của nước này đi xuống. Việc áp giá trần với dầu Nga không đem lại quá nhiều tác dụng, khi Moscow có thể bán lượng dầu mà châu Âu không mua cho các đối tác khác như Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy vậy, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với một vấn đề nổi cộm khác: thiếu hụt nguồn lao động. Sau cuộc động viên một phần và nhiều người dân ra nước ngoài vì ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt, nhiều ngành nghề của Nga được cho là không đủ nhân lực để lấp vào các vị trí đang bỏ trống.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, thiếu hụt nhân lực là ràng buộc lớn nhất với sự phục hồi của nền kinh tế Nga, vượt xa các lệnh trừng phạt đối với tài sản hoặc công nghệ từ phương Tây. Hiện tại, cứ 2 vị trí tuyển dụng ở Nga mới có 1 nhân sự, đây là tỉ lệ khan hiếm cao gấp đôi so với thị trường việc làm ở Anh.

Nền kinh tế Nga đối mặt với thách thức từ tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Ảnh: Bloomberg

Báo cáo của Ngân hàng trung ương Nga cho biết, nguồn lực lao động của nhiều ngành công nghiệp Nga đã sụt giảm nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Nghiêm trọng nhất là các ngành cơ khí, công nghiệp và xây dựng, với tỉ lệ sụt giảm từ 48-66%.

Trong một cuộc họp với các chuyên gia kinh tế của Điện Kremlin và ngân hàng trung ương, Tổng thống Vladimir Putin đã gọi thách thức về nhân khẩu học là "một trong vài vấn đề khiến ông mất ngủ".

Bộ truyền thông Nga cho biết, 10% nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Nga đã rời khỏi đất nước từ năm 2022, và không có tín hiệu nào cho thấy họ sẽ quay trở lại. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nghành nghề liên quan tới kỹ thuật khác.

Để có thể giữ chân người lao động, nhiều chủ doanh nghiệp của Nga đã đồng ý cắt giảm giờ làm và tăng lương lên nhiều lần. Mức lương trung bình của ngành công nghiệp chế biến đã tăng khoảng 20%. Trong năm tới, mức lương tối thiểu ở Nga được dự báo sẽ tăng 18,5%, cao hơn nhiều so với mức 10% đã đề ra. Đây là mức tăng cao nhất ở Nga trong khoảng 1 thập kỷ qua.

"Những rủi ro liên quan đến lạm phát từ thị trường lao động đang gia tăng. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ dẫn đến tình trạng năng suất lao động không theo kịp tăng trưởng tiền lương thực tế", bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga nói.