Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra những nội dung trọng tâm cho công tác giảm nghèo. Trước hết phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lõi nghèo, vùng khó khăn. Có cơ sở hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Huy động nguồn lực để giúp cho người dân ổn định sinh kế vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai... 

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, với cách làm này, người dân nhận thức được họ phải tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Cũng chỉ có như vậy người dân mới thoát nghèo bền vững, giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo cũng như phát sinh nghèo; các địa phương sẽ không còn những huyện nghèo, xã khó khăn.

Điều kiện "cần và đủ"

Để giúp người dân và cộng đồng “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”, thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo” vào năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng là giúp người nghèo sinh kế ổn định để có thu nhập tốt hơn, từ đó vươn lên thoát nghèo.

thainguyen giam ngheo.jpeg
Vùng quê thanh bình, người dân làm giàu từ nương chè ở Phú Lương, Thái Nguyên. 

Trước năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Dậu ở thôn Làng Sao, xã Bình Lương, huyện Như Xuân, Thanh Hoá vẫn là hộ nghèo. Cả gia đình sống trong ngôi nhà tranh tre nứa lá. Được sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình bà được cấp nguồn vốn 10 triệu đồng để mua bò cái sinh sản về chăn nuôi. 

Cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ địa phương và sự nỗ lực chăm chỉ của chính gia đình, đến nay, đàn bò đã lên đến 4 con. Kết hợp với nuôi trồng rừng keo, có thu nhập, gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Bà nói ban đầu dù muốn thoát nghèo nhưng không biết trông chờ vào đâu, thiếu vốn và thiếu định hướng. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã tìm được lối đi và có thêm động lực để chủ động vươn lên.

Xã Bình Lương nơi bà Dậu sinh sống là xã thuộc vùng trũng của huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hoá. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo, đến nay xã đã có nhiều đổi thay. Năm 2016, toàn xã Bình Lương có 35,2% hộ nghèo, đến giữa năm 2024 chỉ còn hơn 3% hộ nghèo.

Từ những thôn bản nghèo khó, xơ xác nhiều năm trước, giờ đây xã Bình Lương đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Cùng với đó, đời sống người dân, đặc biệt là người dân nghèo, được nâng lên nhờ các mô hình kinh tế trồng keo, cây ăn quả như cam, bưởi, ổi...

Lãnh đạo xã Bình Lương khẳng định thành quả giảm nghèo ấy đến từ việc triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, cộng đồng nhưng điều không thể thiếu là sự chủ động nỗ lực của bà con nhân dân. Đây chính là sự kết hợp "cần và đủ" để giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Giảm việc "cho trực tiếp, cho không", xóa tâm lý trông chờ ỷ lại 

Thực tế, những hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước, xã hội, cộng đồng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người dân nghèo, nhưng bên cạnh đó phải làm thế nào để từng bước thay đổi nhận thức của bà con, xóa tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, để bà con tự vươn lên trong cuộc sống. 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) từng nhìn nhận, giảm nghèo bền vững là thách thức lớn, có gia đình đang bình thường nhưng nếu có người bị bệnh nặng, phải điều trị lại trở thành hộ nghèo. Tuy nhiên, có những cơ may để gia đình thoát nghèo, quan trọng nhất là ý chí vươn lên thoát nghèo, tự lực cánh sinh. Theo ông, sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên. 

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề tại sao cùng một điều kiện hoàn cảnh, có người vươn lên thoát nghèo, có người mãi khó khăn. Do vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức của đối tượng thụ hưởng chính sách về thoát nghèo; cần có thước đo đánh giá hiệu quả đến đối tượng để tạo ra sự chuyển biến của cá nhân, gia đình, thay đổi nhận thức, tư duy.

Để thoát nghèo bền vững, cần hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề để có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó, cuộc sống người nghèo từng bước mới được cải thiện. Cách tiếp cận mới về giảm nghèo là giúp người nghèo tự vươn lên giảm việc “cho trực tiếp, cho không”.

Những năm qua, để các hộ nghèo chủ động phấn đấu, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo thấy rõ vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện chương trình giảm nghèo. 

Cán bộ, đảng viên tại xã được phân công phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo có phương thức mới trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Trên cơ sở nắm chắc hoàn cảnh, nguyên nhân các hộ nghèo, xã đã tổ chức tập huấn khuyến nông, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nghèo biết cách cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi; tổ chức các buổi đối thoại để trao đổi cách làm hay của các hộ khá và giàu, giải đáp thắc mắc của các hộ nghèo.

Phá vỡ sức ỳ của người dân là điều khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo, việc này không thể "ngày một ngày hai" mà cần phải có những giải pháp lâu dài, tác động từ nhận thức, chuyển đổi tư duy và hành động. Các chương trình hỗ trợ người nghèo sát thực tế hơn, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho họ mà sẽ chuyển sang hỗ trợ theo hướng đầu tư cho cộng đồng. 

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ở Việt Nam là 3,4%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (10,7%). Ngược lại, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,3%).

 
Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2023 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,4%), tiếp đến là trình độ giáo dục người lớn (32,4%), dinh dưỡng (22,8%) và bảo hiểm y tế (19,3%).