Không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giầy và Túi xách, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đã ký chung một bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, phản ánh những khó khăn của việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ" theo yêu cầu của Bộ Y tế và các địa phương.  

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp thuộc 4 hiệp hội này đều có quy mô sử dụng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 ngành trên đạt hơn 160 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch XK cả nước, góp phần nuôi sống hơn 8 triệu lao động. Bên cạnh đó, có khoảng 12,5 triệu người gián tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ các ngành trên.

Nếu như năm 2020, xuất khẩu Việt Nam đã bứt tốc nhờ việc tận dụng các đơn hàng dịch chuyển từ các khu vực bị đóng cửa sản xuất do dịch bệnh như Đông Âu, Nam Mỹ thì nay nguy cơ xảy ra tình trạng ngược lại đang hiện hữu. Đã có dấu hiệu cho thấy nhiều khách hàng dệt may, da giầy ngưng đơn hàng mới hoặc xem xét điều chuyển đơn hàng sang khu vực khác.

Thực tế, khi các tỉnh phía nam đưa ra yêu cầu "3 tại chỗ", phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được đều phải đóng cửa. Một số ít đáp ứng được thì bây giờ lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch, khiến các doanh nghiệp khác đang áp dụng "3 tại chỗ" nhìn vào đó cũng phải băn khoăn, cân nhắc.

"Nếu ngừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất lao động, sau này sẽ rất khó tuyển dụng trở lại. Nếu tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp vừa giữ chân được lao động, vừa cùng chung tay lo phúc lợi cho người lao động, giảm bớt áp lực cho Chính phủ và địa phương", bà Xuân nhấn mạnh.

{keywords}
Doanh nghiệp cần trợ lực để vượt qua Covid-19

Trả lời báo chí ngày 2/8, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, đặt ra thách thức cực kỳ lớn cho ngành.

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn khi người lao động ở các địa phương đang ồ ạt rời khỏi các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ để tránh dịch.

Chủ tịch VITAS nhận định trường hợp nếu người lao động quay lại thì dự kiến số lao động chỉ đạt được 60-65%, nên nguy cơ thiếu nguồn lực, rất thách thức cho tháng 8/2021 và quý 3 năm nay.

"Chính phủ sớm đưa ra giải pháp vắc xin tiêm cho người lao động các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản bởi các ngành này góp tỉ trọng xuất khẩu rất lớn, tiêm vắc xin để người lao động và gia đình người lao động yên tâm" - ông Giang kiến nghị.

Theo ông, hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin của ngành dệt may Việt Nam còn rất thấp. Bởi trên cơ sở số lượng vắc xin được Chính phủ phân bổ, các địa phương sẽ triển khai tiêm cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên, nên sẽ tùy địa bàn triển khai tiêm cho công nhân, người lao động tùy vào mức độ ưu tiên.

Hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động

Các hiệp hội còn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người lao động.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các bộ ngành liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động ngày, bốn hiệp hội kiến nghị: Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan liên quan các giải pháp cấp thiết cần phải triển khai khẩn trương tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vắc xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Đồng thời hỗ trợ các hiệp hội mua được vắc xin từ nguồn tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.

Cũng theo đại diện các hiệp hội, mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai thủ tục nhập khẩu vắc xin, nhưng do đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ nhập khẩu vắc xin.

Vì vậy, các hiệp hội này đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với nhà cung cấp vắc xin, hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy.

"Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm" - các hiệp hội đề nghị thêm là mong muốn được tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy