DN thiếu tiền, xuất hiện nợ xấu theo dây chuyền
DN ở nhiều lĩnh vực đang đồng loạt lên tiếng về nguy cơ cạn vốn kinh doanh. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết, công ty đã tiếp cận nhiều ngân hàng nhưng vẫn không được vay mới, không được thông báo có gia hạn hợp đồng vay trước đó hay không. Nhiều ngân hàng không nói bị hết “room” tín dụng nhưng yêu cầu chờ. Trong khi đó, để chuẩn bị hoạt động nửa cuối năm, các công ty du lịch luôn cần vốn để đặt sẵn các gói dịch vụ như: lưu trú, vé máy bay, ăn uống… trước khi thu từ khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ ATP (Hà Nội), cũng than thở, không vay được vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN, khiến các khoản nợ bị kéo dài. Một số đối tác của công ty đã gặp tình trạng này, công nợ phát sinh cao. Có những hợp đồng kéo dài hơn 3 tháng nhưng chưa thanh toán được. Khách hàng đều nêu lý do, bị thiếu dòng tiền do các bạn hàng nợ lẫn nhau, trong khi vốn ngân hàng giải ngân quá chậm. Nếu tình hình này kéo dài thì nợ xấu giữa các DN sẽ diễn ra trên diện rộng vì bị tác động dây chuyền.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, các DN trong ngành gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Từ tháng 7 nhiều DN đã cạn vốn nên không thể mua nguyên liệu dự trữ.
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa, các DN khó tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay, khi hạn mức tín dụng của ngân hàng hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu vốn từ quý 3 thường tăng cao để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết. Lo nhất là những DN hoạt động xuất nhập khẩu, giai đoạn này mà không đáp ứng được vốn, sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu, thiếu hàng để giao, bị ảnh hưởng rất xấu.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhìn nhận, thời điểm này kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, DN cần vốn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đổi mới máy móc thiết bị,... Thế nhưng, chi phí nguyên nhiên vật liệu, mặt bằng đều tăng nên nhu cầu về vốn của DN rất lớn.
Nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh trong thời gian qua nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%, áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn room tín dụng thì không thể giải ngân.
Sớm mở room tín dụng
Nhiều ngân hàng cho biết họ đã gần cạn room tín dụng. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 được giao hạn mức tín dụng 7%, nhưng nửa đầu năm đã sử dụng hết 6%, chỉ còn 1% cho nửa cuối năm. Các ngân hàng khác như Vietcombank, VPBank, HDBank, SCB, SeABank, MSB, Techcombank,... qua nửa đầu năm đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 8% đến trên 10%, nên hạn mức không còn nhiều.
Các ngân hàng đã chạm trần tín dụng cả năm nên việc cho vay gần như bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền cho nền kinh tế. Đến nay, không ít DN vay tiền phục vụ sản xuất kinh doanh, đã trả nợ xong cho ngân hàng và muốn vay tiếp nhưng không thể vay được.
Từ tháng 5/2022, một số ngân hàng đã cảnh báo về việc cạn room tín dụng. Tới tháng 6, nhiều ngân hàng đã xin tăng room, nhưng nay đã sang tháng 8, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào đáp ứng.
Thiếu vốn khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng bị đẩy tăng lên. Các DN phàn nàn rằng một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất cho vay từ 0,5-1 điểm %/năm từ đầu tháng 8/2022. Lãi suất tăng khiến chi phí đầu vào tăng, đẩy giá bán tăng, từ đó chắc chắn sẽ tác động tới chỉ số giá.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm nâng hạn mức tín dụng, đồng thời gia hạn nợ, để DN không bị nợ quá hạn. Nếu ngân hàng không hỗ trợ thì DN sẽ gặp rất nhiều khó vào nửa cuối năm 2022.
Nhiều ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, lạm phát hiện tại chủ yếu là do chi phí đẩy, chứ không liên quan đến tiền tệ. Do đó, nên tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn là chính sách tiền tệ. Thắt chặt cung tiền đang khiến nhiều DN gặp khó, mặt bằng lãi suất tăng lên... ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tình hình này đang ngày một căng thẳng và càng để chậm, hậu quả tới nền kinh tế sẽ càng nguy hiểm.
“Hơn lúc nào hết, nền kinh tế đang cần sự vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Chỉ một bộ phận, một toa tàu, chậm vào cuộc, vô trách nhiệm, hệ lụy có thể là sự dồn toa của cả đoàn tàu kinh tế”, một chuyên gia cảnh báo.
Ngoài tín dụng, theo giới chuyên gia, cần nhanh chóng phục hồi thị trường trái phiếu DN, với các quy định thông thoáng, minh bạch, để tạo ra kênh huy động vốn lành mạnh, bền vững cho các DN.