Kết quả triển khai dịch vụ khai báo hóa chất qua hình thức trực tuyến mức 4 của Bộ Công Thương vừa được Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giới thiệu với các bộ, ngành, địa phương để minh chứng về hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Thủ tục khai báo hóa chất đã được Bộ Công Thương triển khai dưới hình thức DVCTT từ năm 2008. Tuy nhiên, kết quả giải quyết thủ tục hành chính là công văn xác nhận vẫn được phát hành dưới dạng bản giấy.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã lần lượt rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và từ năm 2018 cho đến nay, doanh nghiệp nhận được kết quả điện tử ngay sau khi nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cụ thể, từ giữa tháng 1/2018, toàn bộ các đơn vị khai báo hóa chất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tin khai báo sẽ tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương và được phản hồi tự động qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới các tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.

Theo quy định này, thủ tục khai báo hóa chất được thực hiện đơn giản, nhanh gọn (24/24h và ở bất cứ địa điểm nào), doanh nghiệp không phải trực tiếp nộp bản cứng tại Bộ Công Thương và Hải quan, kết quả được phản hồi tự động ngay sau khi tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ, không tốn thời gian đi lại, chờ đợi kết quả - giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 0 ngày làm việc. Tính từ thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đến lúc nhận kết quả chỉ khoảng 15 giây, tùy theo điều kiện đường truyền.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương không phải nhập số liệu thủ công, giảm chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ. Chi cục Hải quan các cửa khẩu cũng có thể tra cứu thông tin khai báo hóa chất của doanh nghiệp qua mạng Internet.

Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành tiêu biểu về triển khai DVCTT trên phạm vi cả nước. (Ảnh: Báo Công Thương)

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành tiêu biểu về triển khai DVCTT trên phạm vi cả nước, không chỉ bảo đảm cung cấp tối đa DVCTT mức 4 mà còn triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Số liệu thống kê của Bộ TT&TT tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/4 cho thấy, Bộ Công Thương nằm trong Top 3 bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất, cùng với 2 bộ khác là Nội vụ và Y tế.

Về cách thức triển khai, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt Danh mục DVCTT của Bộ. Từ tháng 8/2021 cho đến nay, Cổng dịch vụ công của bộ này tại địa chỉ dichvucong.moit.gov.vn đã cung cấp 228 DVCTT mức 4, hoàn thành sớm mục tiêu cung cấp 100% DVCTT mức 4 trong năm 2021, tăng số lượng dịch vụ gấp gần 4 lần so với năm 2020.

Bộ Công Thương cũng đã tích hợp 131 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2021, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi 1.164.552 bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cùng với đó, đã có hơn 40.000 doanh nghiệp tham gia khai báo trên Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương. Tổng số hồ sơ điện tử năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã triển khai đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương. Kết quả, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn; 100% người dân, doanh nghiệp đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương là rất tốt.

Ngày 29/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của Bộ giai đoạn 2022 – 2025, trong đó xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện. Chương trình đặt mục tiêu tỷ lệ giải quyết theo DVCTT mức 3, 4 trên tổng hồ sơ đạt từ 80% trở lên; tích hợp 50% trở lên các DVCTT mức 3, 4 của bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; và tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính...

Vân Anh