- Việt Nam được biết đến nhiều như một nhà cung ứng lớn của thế giới với nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản… nhưng dường như chúng ta chưa tạo dựng được những thương hiệu quốc gia về sản phẩm, ngành hàng ngang tầm quốc tế để có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt chưa có sự liên kết

Hiện nay, Việt Nam có hơn 400 nghìn doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực và ngành nghề, tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, theo xu hướng “mạnh ai người ấy làm” hoặc theo xu hướng “làm tất ăn cả”, tập trung vào thương hiệu riêng, sản phẩm riêng mà chưa tạo dựng được sức mạnh nội lực của toàn thể đất nước để cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa kể đến các đối thủ trên thị trường thế giới.

Nhìn vào một vài con số thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 qua các năm, ta có thể hình dung một bức tranh thu nhỏ về các xu hướng và sự biến chuyển trong các khu vực kinh tế nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nếu như các doanh nghiệp nhà nước được tạo điều kiện trên mọi mặt về nguồn lực, doanh nghiệp tư nhân còn “đang cô đơn” trước tình hình cần phải có sức mạnh tương trợ để đương đầu với bối cảnh hội nhậpthì doanh nghiệp nước ngoài lại tự phát triển theo hướng của mình. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt chủ yếu phát triển theo kiểu tự phát, thiếu liên kết, chỉ nhằm vào lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp nhưng khó tập trung sức mạnh tồn tại lâu dài nhất là khi Việt Nam đang mở hàng loạt cánh cửa dẫn đến hội nhập toàn cầu.

Xuất phát từ năm 2007, khi mà chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân nằm trong bảng xếp hạng VNR500 thì tới nay, con số này đã là 262 doanh nghiệp, tăng gấp 2,5 lần, chiếm hơn 50% số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng. Số lượng doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần, nhường chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong cả ba khu vực kinh tế, chiếm trên 50% tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên bảng xếp hạng VNR500 qua các năm, trong khi khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng.

{keywords}

Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 phân theo khu vực kinh tế giai đoạn 9 năm 2007- 2015. (Nguồn: Thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 công bố bởi Vietnam Report qua các năm)

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đã có nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về doanh nghiệp,kể từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức tham gia WTO thì dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài đã bùng nổ mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, thu hút đầu tư vào nhiều ngành công nghệ cao. Tuy vậy, danh nghĩa là trên công nghệ cao nhưng phần Việt Nam đóng góp về GTGT vẫn chỉ là những con số nhỏ nhoi, như khi Intel tham gia vào Việt Nam trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO nhưng GTGT làm ở VN chỉ chiếm 3% trong tổng giá trị của Intel xuất khẩu ra bên ngoài. Bà đưa ra ví dụ điện thoại di động mang danh “made in Việt Nam” nhưng phần làm ở Việt Nam lại mang giá trị nhỏ, chênh lệch xuất nhập khẩu mới chỉ rơi vào khoảng 2-3 tỷ đô la. Nhắc đến vấn đề này, bà cho rằng lý do nằm ở chính sách đưa ra chưa thu hút được tốt đầu tư nước ngoài để có thể tạo GTGT nhiều hơn, sự chuyển giao công nghệ chưa đạt được hiệu quả cao để tạo hiệu ứng lan toản cho nền kinh tế Việt Nam, khiến đầu tư nước ngoài vẫn đi theo con đường của họ.

“DN trong nước vẫn đi theo con đường riêng nên không ráp lại được với nhau, như vậy các DN Việt Nam không lớn mạnh được nhờ sự gắn kết đầu tư nước ngoài ngay trên mảnh đất của mình”

Nói cách khác, các DN lớn Việt Nam chưa có sự liên kết với nhau và liên kết giữa các khu vực kinh tế để tạo ra sự thống nhất hài hòa, tăng khả năng cạnh tranh lên mức cao nhất.

Có thể thấy có những năm, các doanh nghiệp nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp cà phê từ những người nông dân thay vì mua qua doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của ta khiến tổng lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm, Việt Nam trở nên thua ngay trên chính sân nhà khi mà cà phê, gạo, điều, tiêu... là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có thị phần lớn trên thị trường nông sản thế giới.Nhưng ngay cả khi có thế mạnh ở các mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu, Việt Nam cũng chỉ gắn liền với danh hiệu nhà cung cấp nguyên liệu chứ thực chất, hầu như chưa có sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu quốc gia, chất lượng quốc tế để có thể sánh vai với các tên tuổi lớn thế giới như Starbucks, Nestle… Hay nói đến ngành hàng may mặc, Việt Nam là nước gia công cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới nhưng ngay cảnhững doanh nghiệp hàng đầu trong nước như May 10, Phong Phú... vẫn chưa có một thương hiệu thời trang uy tín, được đánh giá cao trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp lớn phải trở thành đầu tàu

Trước bối cảnh khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường thế giới còn yếu, công nghệ còn lạc hậu so với các nước xung quanh và các doanh nghiệp ngoại đang dần mở rộng thâu tóm thị trường trong nước, nếu như các doanh nghiệp Việt có sự liên kết các lợi thế cạnh tranh của mình để tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh chất lượng để gia nhập sân chơi toàn cầu thì Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt trên bản đồ thương hiệu thế giới.

Để làm được như vậy bà Lan đề xuất các doanh nghiệp lớn cần phải là những người tiên phong trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, internet vạn vật (IoT), đám mây… làm tiền đề cho các DN nhỏ và vừa. “DN lớn cần phải đi đầu, dẫn dắt các DN khác, làm nòng cốt phân công cho các DN nhỏ và vừa những công việc mà DN lớn đang phải làm hết”

Bà nhắc lại có một có một thời gian dài mà các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn chỉ đi theo trào lưu mà không thực sự đóng góp phát triển kinh tế một cách dài hạn, để tạo ra nền tảng phát triển lâu dài cho chính bản thân doanh nghiệp. Trong giai đoạn này các DN lớn kể cả trong ngành sản xuất đều đổ xô vào lĩnh vực BĐS, chứng khoán hay kinh doanh nhưng nhiều khi chỉ mang tính chất đầu cơ hơn là đầu tư, nhắm tới những lợi ích ngắn hạn hơn lợi ích dài hạn, chỉ nhằm tận dụng vào mối quan hệ với nhà nước và tận dụng những kẽ hở mà nhà nước buông bỏ như đất đai nhưng lại đẩy nhiều người nông dân vào cảnh khó khăn. Chính vì vậy không tạo được sức mạnh tập trung toàn thể, khiến cho các thành phần sản xuất kinh doanh khác trở nên manh mún, nhỏ lẻ, không hình thành được chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng ngành hàng, giảm đi sức cạnh tranh của chính nền kinh tế trong nước.

Đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bà Lan nhấn mạnh chính doanh nghiệp lớn phải trở thành nền tảng mới cho nền kinh tế thay vì tập trung theo hướng các DN khác đang làm và đi cạnh tranh lại với các DN vừa và nhỏ trên thị trường nội địa.

Hi vọng nhiều gương mặt nhà sản xuất hơn trong BXH VNR500

Đánh giá về bảng xếp hạng VNR500 với chặng đường 10 năm, bà Chi Lan cho rằng bảng xếp hạng đã hoàn thành được vai trò rất tốt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhìn lại chính bản thân mình. Đối với bà, cần có những đánh giá, xếp hạng như vậy để các doanh nghiệp có thể đối chiếu với nhau, đánh giá mình trên tương quan so sánh với các DN khác, so sánh với các DN đầu tư nước ngoài ở tại Việt Nam hay các DN nước ngoài trên khu vực.

“Số phận của các DN cũng phản ánh bức tranh của nền kinh tế và từ đấy đưa ra những thông điệp giúp cho những người làm kinh tế, nghiên cứu kinh tế, chính sách thấy được môi trường kinh doanh ở Việt Nam cần cải thiện như thế nào để các DN Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn nữa”

Bà đánh giá rằng trong các năm qua đã có sự xuất hiện của khá nhiều gương mặt về BĐS, vì thế trong thời gian tới bà hi vọng sẽ thấy nhiều gương mặt của các nhà sản xuất Việt Nam hơn, các nhà sản xuất công nghiệp, các nhà sản xuất công nghệ vì công nghệ chính là nền tảng quan trọng cho đất nước phát triển.

Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 năm 2016 dự kiến được tổ chức vào ngày 19 tháng 01 năm 2017 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội./.

Vietnam Report