Thành lập cách đây 14 năm, vào ngày 12/5/2009, Công ty cổ phần chế tạo biến thế điện lực Hà Nội – MBT có nhà máy tại Điểm công nghiệp Sông Cùng (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lâu nay được biết đến là địa chỉ tin cậy cho các dự án hạ tầng lớn của các tập đoàn bất động sản cũng như đối tác quen thuộc của EVN Việt Nam.

Từ một cơ sở nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hạn chế, đến cột mốc 10 năm thành lập, MBT đã có doanh thu năm gần 900 tỷ đồng và nhanh chóng tăng lên 1200 tỷ năm 2020 và kỷ lục 1400 tỷ vào năm 2021. Sản phẩm máy biến áp và tủ điện không chỉ có mặt trên khắp các tỉnh thành mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhà máy MBT tại Điểm công nghiệp Sông Cùng, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội. 

Mặc dù đã trở thành doanh nghiệp sản xuất máy biến thế và tủ điện hàng đầu tại Việt Nam nhưng sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, MTB đã bắt đầu gặp khó khăn bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, ảnh hưởng đến sản xuất. Điều này dẫn đến doanh thu giảm đến một nửa trong năm 2022.

Theo ông Trần Văn Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty MBT, do đặc thù các máy biến thế có tuổi thọ cao nên để tăng doanh thu thì việc mở rộng đối tác, khách hàng là mục tiêu số 1, nhưng điều này đỏi hỏi chất lượng sản phẩm cũng phải đi đôi với tiến độ sản xuất. "Suốt hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp chúng tôi không chỉ giảm đơn hàng do đối tác gặp khó khăn mà ngay cả nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất cũng bị chững lại, có khi kéo dài 2-3 tháng", ông Nam chia sẻ.

Hiện nay hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên nhân do chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Công nhân đang sản xuất bên trong nhà máy của MBT.

Nói về khó khăn nguồn cung đầu vào sản xuất, ông Lê Lam – Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất MBT cho biết: "Do đặc thù sản phẩm máy biến thế của MBT sản xuất trên thiết bị hiện đại của Ý, đạt tiêu chuẩn quốc tế nên đòi hỏi sự khắt khe từ tấm thép cho đến con ốc. Phần lớn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên khi nguồn cung giảm, chúng tôi cũng phải giảm sản lượng, hoãn đơn hàng".

Không những vậy, sản phẩm của MTB hiện phần lớn vẫn phải bán qua khâu trung gian, dẫn đến khó khăn khi làm marketing. Chưa kể sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp Trung Quốc bán máy biến thế, chất lượng kém hơn nhưng có ưu thế về giá bán. 

Tất cả những khó khăn trong giai đoạn mới đòi hỏi MTB phải thay đổi. Để có hướng đi mới, doanh nghiệp 100% vốn trong nước này đã xin gia nhập là thành viên của HANSIBA (Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội).

HANSIBA hiện có hơn 200 hội viên hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt như: Dệt may, Da giầy, Cơ khí chế tạo, Điện tử - Tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghệ cao..., dễ dàng đáp ứng được nhu cầu kết nối của doanh nghiệp sản xuất cả đầu vào lẫn đầu ra.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty MBT.

Nói về kỳ vọng khi gia nhập HANSIBA, ông Trần Văn Nam không ngần ngại cho rằng khi tham gia một tập thể cùng lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ thì lợi nhiều hơn là mất. "Thay vì trước đây chúng tôi phải đến hết hội chợ này cho đến các cuộc tiếp xúc thương mại khác chỉ để tìm kiếm đối tác sản xuất, tìm hiểu khách hàng thì nay sẽ dễ dàng hơn khi là thành viên của HANSIBA. Trong ngôi nhà chung thì dễ bắt tay hơn là người ngoài," ông Nam hào hứng.

Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA – cho biết: "Công tác phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA. Bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp Hội viên thì HANSIBA hỗ trợ cho các doanh nghiệp sớm nắm bắt chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan".

Văn Quý