Khi chưa có chứng cứ gì về những điều xấu xa, thì cần hiểu một nền kinh tế có nhiều tên doanh nhân được nêu trong Hồ sơ Panama là một nền kinh tế đang hòa nhập sâu rộng và đóng một vai trò quan trọng trong sân chơi quốc tế.
Nếu đúng luật, sao phải e ngại
Sau một khoảng thời gian kể từ khi những thông tin đầu tiên gây chấn động, một phần Hồ sơ Panama đã được tiết lộ. Gần 200 doanh nhân Việt Nam được liệt kê ra trong danh sách, cùng với đó là không ít lời đồn đoán về những câu chuyện li kỳ phía sau những khối tài sản lớn được tiết lộ.
Tuy nhiên, những doanh nhân Việt đầu tiên xuất hiện trong danh sách lại tỏ ra khá vui mừng. Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch của SSI cảm ơn những nhà báo đã dày công thu thập và nghiên cứu khối lượng hồ sơ khổng lồ suốt một năm qua, vì tin rằng họ đã quảng cáo cho tên tuổi của ông. Thêm vào đó, ông còn nêu ra những giao dịch hợp pháp mà ông đã thực hiện khiến ông được nêu trong bản danh sách.
Tương tự, bà Đàm Bích Thủy – cựu CEO một ngân hàng lớn, tiết lộ bà cảm thấy thấy vui khi được nhiều người hỏi thăm và cởi mở nêu cung cấp cho báo chí những hoạt động nghề nghiệp khiến tên bà xuất hiện trong Hồ sơ. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng của Vietjetair cũng nhanh chóng chỉ ra những giao dịch công khai mà công ty của họ đã thực hiện khi đầu tư vào Việt Nam.
Hai trong số các doanh nhân Việt có tên trong hồ sơ Panama. Ảnh: Báo Đất Việt |
Phản ứng đó hoàn toàn là dễ hiểu. Bởi không giống phải như cách tư duy thông thường, “Tax haven” về bản chất là nơi được dựng nên để tránh thuế chứ không phải là trốn thuế, nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận trong phạm vi luật định. Đối với doanh nhân, nếu việc họ làm minh bạch, rõ ràng, đúng pháp luật thì họ không cần e ngại.
Dư luận đang phần nào hiểu sai phản ứng của thế giới khi hồ sơ Panama được tiết lộ, bởi nếu không phải doanh nhân mà đó là tên của một chính trị gia, lãnh đạo nhà nước hoặc người thân của họ, mọi việc sẽ khác. Các cáo buộc thuế sẽ cần có thời gian để nghiên cứu, nhưng những cáo buộc về đạo đức thì đến ngay tức thì, bởi thu nhập của một chính trị gia, nếu để ở “tax haven” thì người dân có quyền đặt câu hỏi về nguồn gốc khoản tiền.
Chỉ dấu của hội nhập
Mặt khác, việc người Việt có tên trong danh sách này cho thấy chúng ta đã có những doanh nhân, doanh nghiệp mang tầm tư duy quốc tế, hay các cá nhân với tư cách là mắt xích quan trọng của những tập đoàn khổng lồ. Họ là những người am hiểu luật chơi và chơi được với luật chơi quốc tế. Ở khía cạnh này, có thể coi đây là điểm sáng khi chúng ta đang trông chờ những chuyển biến từ chính nội lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Quan trọng hơn, đó là những người, những công ty mà họ không chọn để đồng tiền của họ không chết dí, hao mòn đi bởi thuế suất. Tiền của họ được đưa đến nơi mà nó sẵn sàng hòa vào dòng vốn đầu tư toàn cầu một cách dễ dàng nhất, nhanh chóng đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Nên nhớ rằng: 1/3 GDP của thế giới và 50% tiền tệ dự trữ toàn cầu được luân chuyển qua các “tax haven” (Báo cáo Oxfam 2000). Và nếu có chút kì thị nào đối với dòng tiền đầu tư xuất phát từ “tax haven: thì có thể tra Google cụm từ “những thiên đường thuế đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam”. Kết quả sẽ hiện ra những cái tên như Cayman, British Virgin Island, Hongkong, Singaopre – những tax haven nổi tiếng thế giới với số lượng dự án và những khoản vốn khổng lồ đang từng ngày đổ vào đất nước chúng ta.
Cuối cùng, khi chưa có chứng cứ gì về những điều xấu xa, thì cần hiểu một nền kinh tế có nhiều tên doanh nhân được nêu trong Hồ sơ Panama là một nền kinh tế đang hòa nhập sâu rộng và đóng một vai trò quan trọng trong sân chơi quốc tế. Ví dụ đơn giản, tính đến công bố hiện tại, so sánh với những quốc gia lân cận, con số này của Việt Nam chỉ hơn được Lào vào Campuchia. Những con “hổ nhỏ” như Singapore, Indonesia, Malaysia cũng có khoảng từ 3.000 - 5.000. Và rõ ràng nhất là nền kinh tế đang chi phối thế giới – Trung Quốc: hơn 33.000.
Kiểm tra chứ chưa phải điều tra
Sẽ thật tốt nếu các cơ quan chuyên trách của chúng ta luôn sốt sắng hành động, ngay lập tức lập ra một tổ công tác với nhiều ban ngành phối hợp để điều tra mọi thông tin chấn động mà dư luận quan tâm như đang làm đối với vụ Hồ sơ Panama.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngay lập tức lấy một nguồn tin được lan truyền trên mạng làm cơ sở để bắt đầu tiến hành cuộc điều tra với các cá nhân có liên quan có thể sẽ là sai nguyên tắc. Vẫn cần nhớ rằng Hồ sơ Panama không phải là một bảng liệt kê những dấu hiệu hay có thể được xem như một cáo buộc về gian lận tài chính đối với những cá nhân được nêu tên. Về bản chất, đến nay những thông tin được đưa ra chưa chính thức, cũng như chưa được kiểm chứng. Về mặt nội dung, những thông tin này vẫn đang rất sơ sài và không hoàn toàn dễ hiểu.
Do đó, đối với những thông tin chỉ mang tính chất tham khảo như đã nêu ở trên, thì việc cần làm hiện nay của cơ quan nhà nước là tiến hành kiểm tra thông tin, chứ chưa phải là tiến hành điều tra.
Riêng về phía cá nhân, cứ cho là một cuộc điều tra sâu rộng sẽ được tiến hành đi chăng nữa, tôi vẫn tin rằng sẽ chẳng có nhiều kết quả được đưa ra. Bởi như quan điểm tôi từng đưa ra trước đây: “tax haven” không đồng nghĩa những thứ bẩn thỉu, xấu xa; và nếu coi tránh thuế là một hành vi xấu xa, thì thử hỏi, trên mặt đất này có ai không xấu?