- Đã hơn 7 năm nay chị vẫn hàng ngày, hàng giờ gạt nước mắt bất lực nhìn cảnh người chồng quằn quại trong đau đớn khi chân tay bắt đầu rụng dần vì bị hoại tử sau tai nạn...Cái đớn đau ấy của hai vợ chồng chị cũng chỉ vì tội quá nghèo không đủ tiền chạy chữa.

TIN BÀI KHÁC:

Hành trình hơn 10 năm cõng chồng đi chữa bệnh

Trong câu chuyện đẫm nước mắt về một phận người của hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Lan (42 tuổi) và anh Phan Chính (43 tuổi) ở thôn Tĩnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là cả một bi kịch cuộc đời mà có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến.

Anh Chính khi bị tai nạn cắt cụt hai chân
Cuối năm 1996, chồng chị Lan anh Phan Chính, một nông dân chăm làm. Trong một lần lái máy cày thuê anh bị tai nạn dập nát hai bàn chân.

Gia đình đưa anh ra bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu và các bác sĩ phải mất hơn 1 buổi mới rửa sạch vết thương vì bùn đất bám vào và sau đó phải cắt bỏ chân phải bị hoại tử mới cứu được mạng sống của anh.

Bắt đầu từ đó anh trở thành tàn phế. Những cơn co giật từ vết thương cũ khi trái gió trở trời khiến anh Chính đau đớn và đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng được gia đình phát hiện.

Nổi đau mất chân và trở thành tàn phế rồi cũng được xoa dịu khi người vợ tảo tần luôn bên cạnh chăm lo. Nhưng khổ nỗi nhà quá nghèo, cuộc sống cơm áo đổ dồn trên đôi vai người vợ, mình chị Lan phải chạy vạy lo toan.

Vết thương cũ tái phát sau đó một năm, nhưng không tiền chạy chữa. Đến cuối năm 1998 chân anh có dấu hiệu bị hoại tử trở lại và những cơn co giật bắt đầu xuất hiện khiến anh đau đớn tột cùng.

Nhìn cảnh chồng sống trong đau đớn, chị Lan không cầm lòng, đành gửi hai đứa con nhỏ về ngoại nương nhờ, còn chị bán căn nhà tạm trên mảnh vườn nhỏ lấy tiền đưa anh ra bệnh viện Đà Nẵng điều trị.

Số tiền ít ỏi không đủ thuốc thang, hết chân phải hoại tử, rồi lan sang chân trái, các bác sĩ chỉ còn cách duy nhất là cắt bỏ dần từng phần để cứu mạng sống cho anh.

Suốt hơn 10 năm trời đằng đẵng, bắt đầu từ 1998 đến 2009, chị Lan cõng chồng lên vai đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác từ Đà Nẵng vào Sài Gòn.

Đến đâu, các bác sĩ sau khi thăm khám cũng đều lắc đầu và bảo để cứu được mạng sống cho anh không còn cách nào khác là cắt bỏ phần hoại tử.

Thời gian cứ thế trôi qua, anh Chính sống trong đau đớn, hết chân phải rồi đến chân trái và rồi tay trái anh đều bị hoại tử, phải tháo khớp và cưa bỏ dần.

“Nhiều đêm gió rét trở trời chân tay anh tê nhức, nhìn cảnh chân tay ảnh rơi rụng mỗi ngày nhưng không có tiền chạy chữa tui chỉ biết cắn răng ngồi khóc. Có đêm ngủ quên, mở mắt ra thấy anh đang đập đầu vào tường định tự tử, tui chỉ biết ôm chầm lấy anh và khóc...”, chị Lan kể trong nước mắt.

Và sau đó thao khớp hai tay vào năm 2010
Đến ngày 8/11/2010, cánh tay trái cuối cùng của anh cũng không giữ được do bị viêm tắc động mạch và hoại tử, các bác sĩ đành phải cắt bỏ. Còn tay phải trước đó cũng đã được tháo khớp các ngón tay cũng do bị hoại tử.

Hy vọng chồng được chữa bệnh, các con được quay trở lại trường

Căn bệnh tắc động mạch quái ác mà các bác sĩ bảo là muốn điều trị được phải cần rất nhiều tiền cùng phương tiện cũng như bác sĩ chuyên môn cao. Nhưng chị Lan bảo tiền kiếm đâu ra, nhà cửa ruộng vườn đã bán sạch để chạy chữa, hai con nhỏ đang sống nhờ nhà ngoại không biết tương lai sẽ như thế nào.

Ngày tôi tìm đến căn nhà nhỏ tạm bợ được bà con hàng xóm cho ở nhờ dưới chân núi thôn Tĩnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đập vào mắt tôi là cảnh khốn cùng khi người chồng bị cụt tứ chi nằm bất động. Đôi lúc lại co giật lên cơn đau như người nghiện.

Chị Lan bảo, khổ cực, thiếu thốn mấy chị cũng cố chịu, chỉ mong có được ít tiền để mua thêm thuốc giảm đau và lo cho mấy đứa nhỏ. Suốt ngày đêm chị lo túc trực để lo cho anh lấy đâu thời gian để đi làm kiếm tiền.

Suốt hơn 10 năm nay kể từ khi anh Chính bị tai nạn và tay chân cứ thế rơi rụng dần, chưa một ngày vợ chồng chị Lan có được bữa no. Tất cả tiền bạc đều rơi rụng theo những cánh tay, chân của anh và giờ đây cả hai vợ chồng cùng hai con nhỏ sống trong cảnh khốn cùng.

Không tiền mua thuốc giảm đau, cách duy nhất để anh có thể yên giấc duy nhất là chị chạy sang hàng xóm mua mấy nghìn bạc rượu cho anh uống để mong tìm giấc ngủ không đau đớn.

Nhưng khổ nổi rượu là thứ dễ gây nghiện, cuối cùng anh Chính đành chấp nhận không uống loại thuốc giảm đau chết người ấy nữa mà như lời anh bảo là nghiện rượu lấy tiền đâu để mua. Nên những lúc lên cơn đau anh nghiến răng nằm chịu.

Trong khó khổ, nhưng hai đứa con của anh Chính chị Lan là Phan Thị Bích Trâm và Phan Thanh Trình đều là những học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 9. Nhưng với hoàn cảnh khốn khó, đứa con gái đầu đang học lớp 9 là cháu Phan Thị Bích Trâm đành bỏ học ở nhà phụ giúp mẹ.

Bỏ lại phía sau ước mơ làm cô giáo, cháu Trâm phải ở nhà đi phụ giúp bán quán với mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng gửi về nuôi ba.

Còn em Trinh ở nhà ngoài giờ học tranh thủ cùng mẹ lội xuống ao mỗi ngày bắt ốc hái rau kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi ba.

Chị Lan bảo các bác sĩ nói rằng để chữa chứng bệnh co giật và thoát khỏi hoại tử phải đưa ra Hà Nội gặp các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu may ra mới chữa khỏi. “Nhưng...lấy tiền đâu để cõng chồng ra Hà Nội, lấy tiền đâu để đóng viện phí...” Chị Lan ngồi nhìn chồng quằn quại trong đau đớn và bất lực ngồi khóc.

Rời căn nhà nhỏ, nơi có người đàn ông bất hạnh và người đàn bà suốt hơn 10 năm nay cõng chồng đi khắp các bệnh viện để rồi trở về ngồi nhìn chân tay người chồng rụng dần trong đau đớn. Và ở đó có hai đứa trẻ ốm o vì thiếu dưỡng chất do sống trong đói nghèo và có nguy cơ bỏ học chỉ vì nghèo khó.

Chỉ hy vọng một ngày nào đó nhờ tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa, anh Chính sẽ được cứu chữa thoát khỏi căn bệnh quái ác để những đứa con của anh không trở thành những đứa trẻ mồ côi dù anh tàn phế. Để đêm đêm không còn những giọt nước mắt lăn dài trên mắt người vợ và những đứa trẻ được quay trở lại trường.

Vũ Trung
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:

1. Gửi trực tiếp chị Nguyễn Thị Bích Lan ở thôn Tĩnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

2. Hoặc Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ chị Nguyễn Thị Bích Lan)

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
-
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
-
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn