Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2019 nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp thuận lợi. Công ty cũng đã có kế hoạch chia cổ tức sau nhiều lần trì hoãn.

Trong phiên giao dịch 6/8, cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm tăng trần lên 16.000 đồng/cp, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu KBC đã tăng 45%, vốn hóa của KBC tăng thêm 2,4 ngàn tỷ đồng. Túi tiền của ông Đặng Thành Tâm theo đó cũng tăng lên thêm khoảng 400 tỷ đồng.

Không chỉ KBC, cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của chị gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến - cũng bất ngờ tăng trần lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

KBC, ITA và nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp như SIP, SZC, D2D, VRG, GVR, BAX,... tiếp tục tăng vọt, trái ngược với áp lực giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán sau khi Trung Quốc tung vũ khí nguy hiểm, thả đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh.

KBC của ông Đặng Thành Tâm tiếp tục đi ngược với xu hướng giảm trên thị trường trong bối cảnh doanh nghiệp này công bố lãi khủng gần 410 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý 2 cũng tăng khoảng 3 lần lên 1,07 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoản tăng thêm 460 tỷ đồng từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản nhờ tình hình kinh doanh khu công nghiệp thuận lợi. 

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm.

Sau khi trì hoãn do kết quả kinh doanh kém trong quý 1, KBC cũng đã có kế hoạch chi 235 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với mức chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 30%.

Theo đánh giá của VDSC, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra. Những hành động gần đây của Trump khiến xu hướng này mạnh hơn.

Ở mảng bất động sản công nghiệp, KBC của ông Đặng Thành Tâm và VGC của ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu các khu công nghiệp ở phía Bắc được cho là những công ty đầu tiên hưởng lợi tích cực nhờ dòng vốn vào nhanh và giá cao.

Một số dự báo cho thấy, giá thuê sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi nhu cầu về diện tích công nghiệp tăng cao. Giá thuê ở miền Bắc đã lên khoảng 2 triệu đồng/m2, trong khi đó ở Hà Nội lên tới 3 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, những nỗ lực hội nhập sâu rộng của Việt Nam với những hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU (EVFTA), CPTPP,... ngày cang mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp.

Một số doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn như SZC, NTC,... cũng được hưởng lợi lớn. SZC hiện có gần 700ha đất cho thuê gần như đã hoàn thiện pháp lý và có chi phí tương đối thấp. Cao su Phước Hòa (PHR) có diện tích đất lớn, chuyển sang BĐS công nghiệp thuận lợi.

Theo VDSC, diện tích các khu công nghiệp ở phía Bắc lên tới 19 ngàn hecta với tỷ lệ lắp đầy lên tới 80%, trong khi ở phía Nam là 38 ngàn hectar (tỷ lệ lấp đầy 90%).

Trong quý 2, không chỉ KBC, kết quả hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đều tốt, đều tăng vài lần so với cùng kỳ năm trước. Các cổ phiếu này cũng có tốc độ tăng giá gần rưỡi cho đến 2,5 lần trong 6 tháng qua.

Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc,... với những gương mặt điển hình như Samsung, LG,...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu blue-chips tiếp tục bị bán mạnh do các quý chỉ số và đầu tư chỉ số rút tiền trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới bất ổn sau khi cuộc chiến Mỹ-Trung trở nên căng thẳng hơn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dầu khí, xây dựng.... giảm mạnh.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị bán ròng lên tới 1 ngàn tỷ đồng. Việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư.

Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra dự báo thận trọng.

Theo Rồng Việt, thị trường tiếp tục phân hóa rất mạnh. Các cổ phiếu lớn vẫn giao dịch tiêu cực, một phần từ áp lực bán ròng của khối ngoại. Các cổ phiếu nhóm Viettel, Khu công nghiệp, Bất động sản, Cao su tự nhiên,...  tiếp tục ngược dòng tăng điểm mạnh, tuy nhiên áp lực chốt lời cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

BSC cho rằng, thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh đồng pha với các nước trong khu vực khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang và có khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ giữa hai cường quốc. Chịu ảnh hưởng từ các thông tin vĩ mô kém khả quan, VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh về vùng ngưỡng hỗ trợ cũ 940-950 điểm và tích lũy quanh vùng này trong các phiên giao dịch tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/8, VN-Index giảm 8,54 điểm xuống 964,61 điểm; HNX-Index giảm 1,02 điểm xuống 101,89 điểm và Upcom-Index giảm 0,071 điểm xuống 58,31 điểm. Thanh khoản đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 6,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà