Tin xấu vào thời điểm nước rút

Những tin tức không mấy tốt lành đang ảnh hưởng mạnh tới các thị trường tài chính Mỹ ở vào thời điểm ông Donald Trump chạy nước rút nhằm thu hẹp khoảng cách với ứng cử viên Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Giới đầu tư thất vọng với các cuộc đàm phán về một gói kích thích kinh tế mới mà theo đó, người dân Mỹ có thu nhập trung bình thấp sẽ được cứu trợ để khỏi bị rơi vào tình trạng đói kém hay bị đuổi ra khỏi nhà.

Trong phiên giao dịch đêm 26/10 (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ đầu 9/2020 với cú giảm sốc 650 điểm trong bối cảnh các cuộc đàm phán về gói kích thích tài khóa trước cuộc bầu cử Tổng thống lại một lần nữa bị đình trệ.

Không những thế, đại dịch Covid-19 tiếp tục vùi dập những thành tựu về kinh tế của ông Donald Trump. Làn sóng lây lan tiếp tục lan rộng tại cả Mỹ và châu Âu khi mùa đông với thời tiết lạnh giá đang tới gần.

Chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 cũng giảm mạnh 1,9%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,6%.

{keywords}
Cuộc đua vào Nhà Trắng tới hồi gay cấn.

Cú giảm giá trong phiên đầu tuần đã xóa bớt đà tăng trong tháng 10 của chứng khoán Mỹ.

Trước đó, những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế Mỹ cùng với những tuyên bố tích cực của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi về các cuộc đàm phán đã kéo chứng khoán Mỹ trở lại đà tăng giá lịch sử trước đó.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cuộc đàm phán đã không như mong đợi và gần như chắc chắn phía Dân chủ và Cộng hòa không thể đạt được một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới trước thời điểm bầu cử 3/11.

Đây là một thất bại đáng kể của ông Donald Trump bởi gói cứu trợ người dân có thu nhập trung bình thấp tại Mỹ hết hạn và kéo dài từ tháng 7 cho tới nay mà không thể được thông qua được một gói mới.

Trên CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow thừa nhận các cuộc đàm phán diễn ra chậm lại.

Tin xấu đến với ông Trump còn là số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh và bùng phát trở lại tại các bang vùng vành đai mặt trời.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, bà và Đảng Dân chủ “đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm, nhưng Chính quyền ông Trump chưa bao giờ làm theo”. Theo bà Pelosi, việc Đảng Cộng hòa tiếp tục đầu hàng Covid-19, nhất là trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm gần đây “chính thức là hành vi sai trái”.

Đây cũng là lý do mà theo bà Pelosi, thỏa thuận “phải đạt được sớm nhất có thể”, nhưng “không thể chấp nhận việc Chính quyền từ chối tiêu diệt Covid-19”.

Tới nay, theo nhiều kết quả khảo sát, ông Donald Trump đang bị bỏ xa bởi ông Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ mới. Theo MarketWatch, kết quả kiểm phiếu sớm ban đầu cho thấy, ông Joe Biden có ưu thế vượt trội với 49% phiếu bầu, trong khi đó Đảng Cộng hòa chỉ có 28%. Đây có thể là thông tin tích cực đối với nhiều chính quyền, trong đó có Bắc Kinh, nhất là sau 2 năm với vài cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, từ thương mại cho đến công nghệ, tiền tệ,...

Trung Quốc lại thêm hy vọng mới

Ở vào thời điểm nhạy cảm như hiện tại, Bắc Kinh không đưa ra những bình luận liên quan tới ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ và quan hệ Mỹ-Trung sau đó sẽ như thế nào. Tuy nhiên, theo SCMP, Trung Quốc thực sự đang trở thành nước thách thức trực tiếp với Mỹ ở nhiều phương diện trong đó có vị thế nền kinh tế số 1 thế giới.

Trên thực tế, dưới thời ông Trump, Mỹ đã liên tiếp gây ra những “cuộc chiến” với chính quyền Bắc Kinh, từ kinh tế cho tới các vấn đề nhạy cảm như ở Hong Kong,... Hai nước cũng lần lượt đóng cửa các lãnh sự quán của nhau.

{keywords}
Quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng.

Theo CNN, Trung Quốc đang chờ đợi “tái khởi động” mối quan hệ với Mỹ vào tháng 1/2021, bất kể cuộc bầu cử Mỹ diễn ra như thế nào. Chính quyền Bắc Kinh không muốn trở thành “điểm nóng” trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nhiều dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong quan hệ với Mỹ, bất kể là ông Trump hay ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ mới. Và thực tế cũng cho thấy, quan hệ Mỹ-Trung đang u ám nhất trong 4 thập kỷ qua.

Dù vậy, nhiều đánh giá cũng cho rằng, nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, áp lực lên Trung Quốc sẽ nhẹ hơn. Áp lực từ ông Trump đối với Bắc Kinh luôn rất lớn và khó lường.

Theo một kế hoạch được đưa ra tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc đặt ra mục tiêu 5 năm đầy tham vọng, trong đó tập trung vào đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ “mở cửa hơn nữa đối với nước ngoài”.

Với ông Biden, nếu thắng cử, đại diện đảng Dân chủ được cho là sẽ theo đuổi một chính sách ít gây hấn công khai hơn đối với Trung Quốc, đưa ra quyết định cẩn trọng hơn về các vấn đề Mỹ - Trung.

Ông Biden đang vượt trội ông Trump theo các khảo sát. Đây là một tín hiệu tích cực đối với một số chính quyền, trong đó có thể là Bắc Kinh. Dù vậy, bất ngờ vẫn có thể xảy ra như hồi 2016. Phía Cộng hòa thường có kết quả tốt hơn khi vào bầu cử trực tiếp, thay vì bị thường bị áp đảo khi bầu cử sớm, với số lượng người theo đảng Dân chủ thích bầu cử qua thư.

Hơn thế, thăm dò mới nhất từ New York Times và Đại học Siena College, ông Trump đã tạo cách biệt 4% so với ứng cử viên của đảng Dân chủ Biden về tỷ lệ ủng hộ của cử tri tại bang Texas.

M. Hà