đồng hồ ngày tận thế.jpg
Ảnh: BBC

Đồng hồ Ngày tận thế là một biểu tượng quốc tế có tuổi đời hàng thập niên, cho thấy loài người đang tiến gần đến một thảm họa toàn cầu như thế nào. 

Theo BBC và CBS, các chuyên gia và nhà khoa học cho biết họ quyết định giữ đồng hồ Ngày tận thế ở mức 90 giây, như năm 2023 vì những rủi ro của năm ngoái vẫn tiếp diễn chứ không hề suy giảm. Họ cho biết, các yếu tố chính để quyết định vị trí của kim đồng hồ chính là cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine, cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của nhóm Hamas vào Israel và cuộc giao tranh sau đó, các dấu mốc nguy hiểm mới liên quan tới môi trường. 

Các chuyên gia và nhà khoa học cũng cho biết, thế giới đang đứng trước mối nguy hiểm nảy sinh từ những tiến bộ trong trí thông minh nhân tạo (AI). 

Đồng hồ Ngày tận thế được các thành viên của Ban Khoa học và An ninh của Bản tin các nhà khoa học Nguyên tử đặt theo một thời điểm cụ thể mỗi năm. Kể từ năm 2007, các thành viên của nó đã xem xét tác động của những rủi ro mới do con người tạo ra với thế giới như Trí thông minh nhân tạo (AI), thay đổi khí hậu và mối đe dọa lớn nhất: chiến tranh hạt nhân. 

Trong thông báo về tình hình năm 2024 được công bố hôm qua (22/1), Bản tin các nhà khoa học nguyên tử cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine cũng tạo ra nguy cơ leo thang hạt nhân. Ngoài ra, việc thiếu hành động trong vấn đề biến đổi khí hậu và những rủi ro liên quan tới lạm dụng các công nghệ sinh học mới nổi và các công cụ AI cũng khiến thế giới gặp nguy hiểm. 

Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử được nhà bác học Albert Einstein, J. Robert Oppenheimer, Eugene Rabinowitch và các nhà khoa học Đại học Chicago, Mỹ thành lập năm 1945. Đây là những người đã giúp phát triển vũ khí nguyên tử đầu tiên cho Dự án Manhattan.

Hai năm sau, vào năm 1947, họ tạo ra Đồng hồ Ngày tận thế như một công cụ thể hiện cách thức mà các hành động và quyết định của loài người có thể khiến sức khỏe và tương lại của chính họ bị đe dọa. Ban đầu, đồng hồ được đặt từ 7 phút mới đến nửa đêm và kể từ đó đã được dịch chuyển 25 lần.