Là huyện dẫn đầu tỉnh Thanh Hoá trong xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đông Sơn có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 62/85 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện có 3 xã, 34 cơ quan, đơn vị, 2 doanh nghiệp, 43 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Để làm được như vậy, thời gian qua, địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Đông Sơn xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực. 

Bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Đông Sơn kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. 

Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. 

Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến từng gia đình, từng người dân để thúc đẩy chuyển đổi số; đưa người dân lên môi trường số để tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ. 

Về hạ tầng số, huyện duy trì mạng nội bộ kết nối Internet băng thông rộng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cấp độ 2 đối với cấp huyện, cấp độ 1 đối với cấp xã quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP.  Hệ thống camera an ninh được duy trì và tăng cường số mắt camera tại các vị trí quan trọng, cần thiết trên địa bàn huyện và các xã, thị trấn phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông. 

Trên địa bàn huyện có 18 cơ quan, đơn vị, 14/14 UBND cấp xã và 35 trường học lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người dân truy cập Internet. 7 di tích cấp quốc gia đã tạo lập mã QR đường link đăng tải video di tích phục vụ du khách truy cập tìm hiểu thông tin, lịch sử di tích.

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 17 lúc 09.56.34.png
Hội Phụ nữ huyện Đông Sơn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Về chính quyền số, huyện Đông Sơn sử dụng ổn định, hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-office), cung cấp 100% tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã thực hiện trao đổi văn bản trên hệ thống; tỷ lệ văn bản ký số của lãnh đạo và cơ quan duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, huyện hoàn thành nâng cấp Cổng thông tin điện tử của huyện và 14 trang thông tin điện tử các xã, thị trấn là thành phần của Trang thông tin điện tử của tỉnh với tên miền .thanhhoa.gov.vn. Đồng thời bổ sung liên kết các sàn thương mại điện tử trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư trên địa bàn huyện. Tiếp tục đăng tải, cập nhật thông tin, tuyên truyền các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ các chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, Bưu điện huyện Đông Sơn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử Voso, Posmart, nông sản Thanh Hóa (VNPT); cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP của huyện. 

Về xã hội số, người dân đã cài đặt ứng dụng VNeID trên thiết bị di động để thực hiện các giao dịch cơ bản trên môi trường số. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu trong cộng đồng. Các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước… đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn huyện. 

Trong thời gian tới, UBND huyện Đông Sơn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tích cực, hiệu quả để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả, vững chắc.